Đại biểu Triệu Thanh Dung - Ảnh: Quochoi.vn
"Trung bình hằng năm Việt Nam xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000 - 10.000 người nhiễm HIV. Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV" - quyền bộ trưởng cho biết.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm, tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.
"Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng chống HIV/AIDS" - ông nói.
Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của luật hiện hành nhằm "tạo hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Theo đó, dự luật bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó. Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi cho phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn về nguồn lực phòng chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.
Một nội dung đáng chú ý nữa là Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định về việc bảo đảm người nghiện ma túy được tiếp tục điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trong cơ sở giam giữ vào Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Luật phòng chống ma túy sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này vì nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của hai luật trên để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS liên tục, hiệu quả của người nghiện ma túy.
"Tôi tự hào vì Việt Nam là một trong 4 nước điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới" - đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) bày tỏ. Bà đồng tình với đề nghị của Chính phủ rằng "việc huy động cho Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV rất hạn chế và hiện đã được các chính sách khác bảo đảm nên không cần thiết duy trì quỹ này".
Đại biểu Dung cho biết thời gian qua số tiền quỹ được huy động không nhiều, hạn hẹp, không tạo được dấu ấn trong xã hội. Tính trung bình 12 năm qua, mỗi năm chỉ huy động được 480 triệu đồng, gần đây nhất năm 2019 chỉ huy động được 11 triệu đồng.
Cũng tự hào về thành tích phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam, các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị quy định bao quát hơn các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ trong quan hệ tình dục đồng tính thì không chỉ có đồng tính nam mà cả đồng tính nữ cũng có nguy cơ lây nhiễm.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị có quy định xét nghiệm HIV bắt buộc đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo bà, hiện nay xã hội đã có nhận thức tốt về căn bệnh này, người bị nhiễm đã không còn bị kỳ thị và bản thân họ cũng ý thức rất tốt. Do đó cần xét nghiệm đối với với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Xét nghiệm tốt sẽ phát hiện sớm, điều trị tốt, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận