14/05/2013 14:11 GMT+7

Việt Nam sản xuất máy bay không người lái từ bao giờ?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Trong khi Viện Công nghệ không gian - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN vừa phát đi thông điệp thử nghiệm thành công máy bay không người lái (UAV) đầu tiên do VN sản xuất vào đầu tháng 5 thì thông tin từ Quân chủng Phòng không - không quân lại khẳng định UAV đầu tiên của VN là do chính một đơn vị của quân chủng thiết kế, chế tạo từ năm 2004.

k4QMTYNF.jpgPhóng to
Các mẫu UAV do Viện Công nghệ không gian chế tạo - Ảnh: Việt Dũng - Viện Công nghệ không gian cung cấp

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các bên để tìm hiểu thêm về câu chuyện này.

Đơn vị đầu tiên

Trong bản thuyết trình đề tài nghiên cứu sản xuất tổ hợp UAV phục vụ nghiên cứu khoa học, Viện Công nghệ không gian - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN nhấn mạnh: “Xin được các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các phóng viên báo chí công bằng ghi nhận chúng tôi là nhóm đầu tiên của VN thiết kế chế tạo thành công UAV, nếu cuộc thử nghiệm mà các đồng chí, các quý vị chứng kiến sau đây thành công”. Trong bản thông cáo báo chí về sự kiện bay thử ba mẫu UAV thành công ngày 3-5, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cũng khẳng định: “Các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc Viện Công nghệ không gian - HTI thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN lần đầu tiên, là nhóm đầu tiên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái mang thương hiệu VN, hoàn toàn bằng sự sáng tạo của người VN”.

Để chứng minh cho thông tin là đơn vị đầu tiên chế tạo thành công UAV, Viện Công nghệ không gian dẫn giải: “Hiện tại, VN chúng ta cũng đã có một vài nhóm đã và đang nghiên cứu chế tạo UAV, tuy nhiên kết quả thử nghiệm cho đến nay cho thấy là chưa thành công. Điều này thực chất không thể giấu được bởi vì dù bay thử nghiệm cũng phải có giấy phép bay của Bộ Quốc phòng cấp, trên cơ sở đồng thuận của Bộ Công an theo nghị định 36, đồng thời phải chịu sự giám sát của Quân chủng Phòng không không quân”.

Đã có từ năm 2004

Thế nhưng ngày 13-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Vũ Hồng Quang - viện trưởng Viện Kỹ thuật phòng không không quân (Quân chủng Phòng không không quân) - khẳng định mẫu UAV đầu tiên do viện chế tạo, bay thành công trên bầu trời đã xuất hiện cách đây chín năm. “Năm 2004, viện đã chế tạo thành công UAV đầu tiên, ký hiệu là M-100CT, nghĩa là UAV 100 chương trình với tốc độ bay 150 km/g. Đến năm 2005, viện tiếp tục phát triển chế tạo thành công UAV M-400CT, có thể đạt tốc độ 280 km/g, phạm vi điều khiển 20km, khối lượng khoảng 56kg, có thể chịu tải lên 90kg” - đại tá Quang nói.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không - vũ trụ VN (VASA), cũng cho rằng thông tin từ Viện Công nghệ không gian cho rằng những mẫu UAV của họ là những mẫu đầu tiên “made in VN” là hoàn toàn không chính xác, mà là do Viện Kỹ thuật phòng không không quân chế tạo.

Về thông tin này, khi được hỏi TS Phạm Ngọc Lãng - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chế tạo UAV phục vụ nghiên cứu khoa học”, giám đốc Viện Công nghệ không gian - cho rằng ông “không muốn bình luận” nhưng cần thiết phải phân biệt giữa “UAV do Viện Công nghệ không gian chế tạo” với “mục tiêu bay” (theo TS Lãng, những sản phẩm của Viện Kỹ thuật phòng không không quân chế tạo có thể chỉ là “mục tiêu bay” - PV) vì đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, đại tá Vũ Hồng Quang một lần nữa khẳng định: “M-100CT, M-400CT là những mẫu UAV chính thống vì đó là những máy bay không có người lái, được vận hành bay tự động theo chương trình. Chín năm qua, hằng năm viện vẫn được giao nhiệm vụ sản xuất hàng loạt các mẫu UAV phục vụ cho diễn tập của các đơn vị trong toàn quân. Nếu so sánh các thông số mà Viện Công nghệ không gian công bố, những mẫu UAV của họ chỉ tương tự như M-100CT của Viện Kỹ thuật phòng không không quân.

vNVXxc8W.jpgPhóng to
Những mẫu máy bay không người lái do Viện Kỹ thuật phòng không không quân (Quân chủng Phòng không không quân) chế tạo thành công cách đây 8-9 năm

Ngân sách nhà nước đã phân bổ thế nào?

Theo một số chuyên gia của Viện Kỹ thuật phòng không không quân, điều khiến những người hàng chục năm nay đeo đuổi việc nghiên cứu, chế tạo UAV của viện trăn trở không chỉ là việc ai muốn ghi tên mình vào danh sách người làm ra UAV đầu tiên mà là cảm giác “chạnh lòng” vì việc đầu tư cho công việc này còn rất hạn chế. “Viện đã xuất xưởng những chiếc UAV từ chín năm qua, nhưng thực tế từ đó đến nay, tổng số tiền được đầu tư để nghiên cứu cho lĩnh vực này chỉ vẻn vẹn 150 triệu đồng. Đó là số tiền cho một đề tài nghiên cứu lý thuyết về UAV cách đây khoảng năm năm” - đại tá Quang ngậm ngùi. Theo ông Quang, nhu cầu phát triển UAV là rất lớn, nhưng vì chưa được đầu tư tương xứng nên hoạt động nghiên cứu này phần nhiều ở mức tự phát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lãng chia sẻ ngay sau khi thông tin “bay thử thành công máy bay không người lái đầu tiên” do Viện Công nghệ không gian chế tạo được loan báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngoài những động viên khích lệ thì nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được những nghi ngại về chuyện gọi là UAV nhưng có vẻ giống máy bay mô hình, và như vậy thì nhóm nghiên cứu đã dùng tiền ngân sách nhà nước để sản xuất... đồ chơi.

“Sự thật là chúng tôi nhận được bao nhiêu tiền ngân sách cho đề tài này? Đề tài được phê duyệt với mức đầu tư 12 tỉ đồng, trong đó 9,8 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và 2,2 tỉ từ các nguồn khác. Đề tài được phê duyệt từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2014, nhưng đến nay nhóm nghiên cứu mới chỉ nhận được tổng cộng 600 triệu đồng từ ngân sách. Số tiền ngân sách đã chi cho đề tài chỉ đủ để chúng tôi tổ chức một vài hội thảo và chuẩn bị một số tài liệu phục vụ nghiên cứu, chế tạo. Số tiền do chúng tôi bỏ ra để phục vụ cho đề tài chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với tiền nhận từ ngân sách tính đến thời điểm hiện tại” - ông Lãng nói.

GS.TS Nguyễn Thiện Tống (khoa kỹ thuật hàng không ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM):

Điều cần thiết là phải phối hợp với nhau

Hiện có nhiều nhóm ở VN nghiên cứu về máy bay không người lái nhưng làm đến mức nào thì chưa rõ. ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có những nhóm nghiên cứu về máy bay không người lái và đã thành công với mô hình quadrotor - mô hình bay có bốn chong chóng trực thăng có thể dễ dàng bay và đứng yên một chỗ trên không, mô hình cánh bằng trực thăng - có thể bay nhanh và bay xa... Tuy nhiên với kinh phí nghiên cứu do trường hay Đại học Quốc gia cấp rất ít ỏi nên các nghiên cứu này không thể phát triển thêm.

Công nghệ chế tạo máy bay không người lái khó, nhưng không phải quá khó và người VN hoàn toàn có thể làm được. Đầu tiên có thể chế tạo những chiếc máy bay vừa phải, phù hợp nghiên cứu và nhu cầu như quan sát phát hiện các vụ việc không cần các hình ảnh quá rõ ràng, sắc nét như cảnh báo cháy rừng, sau đó dần dần phát triển lên đáp ứng những yêu cầu cao hơn.

Việc nghiên cứu trong nước thành công ai trước, ai sau sẽ chẳng có phần thưởng gì vì đây không phải là cuộc thi thố và tôi rất mừng vì ở VN đã có nhiều người làm được những việc này. Nhưng điều cần nhất là các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu phải phối hợp nhau cùng làm, cùng phát triển hơn. Vấn đề chúng ta cần giải quyết là làm sao cho những người có chuyên môn, có thể làm tốt, làm hay được làm đúng phần việc của mình.

H.NHUNG ghi

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên