Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thêm ưu đãi về tiếp cận vốn, ưu đãi thuế với doanh nghiệp phát triển công nghệ - Ảnh: VGP
Tại cuộc họp về phát triển sản phẩm, công nghệ quốc gia, báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ cho biết trong điều kiện ngân sách, cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, 3 chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, công nghệ cao và đổi mới công nghệ quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến hết năm 2018 đã thu hút được hơn 150 doanh nghiệp, cam kết đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng phát triển các sản phẩm quốc gia công nghệ cao.
Đáng lưu ý, sau khi đầu tư phát triển sản phẩm quốc gia, các doanh nghiệp có mức tăng trưởng trung bình hằng năm 18,8%, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng trưởng tới 50%.
Thị phần các sản phẩm trên thị trường trong nước cũng tăng đáng kể, ví như trong điều trị, lần đầu tiên chúng ta đã nghiên cứu, làm chủ được quy trình sản xuất trong nước thuốc Pegcyte dùng trong điều trị giảm bạch cầu, hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư; nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất stent động mạch vành đạt tiêu chuẩn châu Âu, với giá thành rẻ hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường 50%.
Trong sản xuất công nghiệp đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do.
Trong nông nghiệp, chúng ta đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất, định hướng các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, rau, hoa quả, nấm ăn, nấm dược liệu, cà phê, cá da trơn, tôm, sâm nhằm tạo ra sản phẩm theo chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Để thúc đẩy các sản phẩm công nghệ cao thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ, ngành phải kiên trì tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính theo hướng đầu tư cho khoa học, công nghệ, chấp nhận rủi ro.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế đồng bộ kết nối 3 chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ quốc gia với các chương trình ưu đãi về vốn, tiếp cận vốn, kết hợp các ưu đãi về thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận