Tiêu dùng nội địa đang tăng trở lại giúp quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam diễn ra nhanh hơn, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm - Ảnh: N.BÌNH
Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách các thị trường ASEAN của khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu ngân hàng HSBC, khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19 gây ra, nền kinh tế trong nước có những dấu hiệu phục hồi nhanh hơn so với dự đoán trước đó.
Cách xử lý đại dịch hiệu quả đã giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục. Thị trường tiêu dùng trong nước đang bật tăng trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa, và thậm chí hoạt động du lịch quốc tế có lợi thế phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Dù không phải là một nền kinh tế lớn, sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam vẫn đem lại những bài học giá trị cho một thế giới đang chật vật tìm cách thúc đẩy tăng trưởng một cách khẩn thiết, điều này đưa Việt Nam lên một vị thế khác.
Tuy nhiên, chuyên gia HSBC vẫn lưu ý Việt Nam không nên bỏ quên việc cải cách. Chẳng hạn như các lỗ hổng trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được giải quyết, với bộ đệm vốn còn yếu và đòn bẩy tiêu dùng đang tăng. Trong khi đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu.
"Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được mong đợi có những sửa đổi cần thiết để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Cái tên Việt Nam đang được chú ý giữa các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục tiến hành chương trình cải cách của mình", bà Yun Liu nói.
Ở góc nhìn khác, ông Don Lam, chủ tịch đồng sáng lập VinaCapital, cũng cho rằng nền kinh tế trong nước đã tái khởi động và đang dần hoạt động trong trạng thái bình thường mới, vẫn còn những thách thức trong 6 tháng tới. Trong bối cảnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những lợi thế của Việt Nam lúc này.
Năm 2019, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 38 tỉ USD, tăng 7% so với năm trước và đây là mức cao nhất trong 10 năm qua. Phần lớn nguồn vốn này chảy vào những nơi có nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thấp cũng như tận dụng vị trí địa lý gần Trung Quốc...
Theo ông Don Lam, Việt Nam đang có những lợi thế trong thu hút FDI nhưng còn nhiều yếu tố Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện để hấp dẫn hơn nữa trong mắt nhà đầu FDI hơn nữa. Một trong những yếu tố đó là đẩy nhanh tiến độ và cải thiện cơ sở hạ tầng do chi phí hậu cần của Việt Nam luôn nằm trong tốp cao nhất trong khu vực.
Để thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch, chính phủ đang giải ngân đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam cần tạo được thuận lợi hoá trong hoạt động kinh doanh. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng thế giới cho thấy, về tính thuận lợi cho kinh doanh, Việt Nam đang xếp thứ hạng 70, xếp sau cả Thái Lan và Malaysia. Do đó, trước mắt nên cải thiện thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập công ty, các giấy phép, chi trả thuế.
Cũng theo ông Don Lam, bên cạnh việc cần làm là nâng cao đội ngủ lao động lành nghề, phát triển các cụm công nghiệp xung quanh khu vực tiềm năng... thì Việt Nam có thể cân nhắc tiếp tục sử dụng chính sách miễn thuế cho nhà đầu tư.
Chính sách miễn thuế không còn cần thiết dù đây là chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư được các nhà đầu tư ưa thích. "Nguồn thu thuế có thể được sử dụng để phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác đóng vai trò phát triển bền vững của quốc gia", lãnh đạo VinaCapital nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận