Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 do báo Đầu Tư tổ chức ngày 30-7, các chuyên gia đã "hiến kế" để Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư FDI thế hệ mới.
Cần xây dựng các khu công nghiệp xanh
Ông Vũ Văn Chung, phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho hay Chính phủ đang quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng chính sách để thu hút đầu tư vào các ngành mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (Al) công nghệ cao. Thậm chí Chính phủ còn thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư với mục tiêu thu hút, xây dựng những chính sách hỗ trợ cho đầu tư.
Để các "đại bàng" công nghệ chọn Việt Nam, ông Chung cho rằng thách thức mà các khu công nghiệp, các nhà phát triển khu công nghiệp phải đáp ứng đó là phải nâng cao chất lượng khu công nghiệp, tăng quy mô, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, đảm bảo môi trường xanh hơn...
Ngoài ra, ông Chung cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc liên quan đến ngành Al, bán dẫn và khi được thông qua thì đây sẽ là nguồn lực lớn thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Hardy Diec, giám đốc điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, cho hay Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của nhiều công ty đa quốc gia nhưng các doanh nghiệp FDI đang còn ngần ngại một số rào cản về thủ tục hành chính.
Ông Hardy Diec nhận định nếu phá bỏ được những rào cản này, các "đại bàng" FDI sẽ đổ vào Việt Nam, mang theo cả một hệ sinh thái, giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Hardy Diec đánh giá xanh hóa cũng là xu hướng được các nhà đầu tư FDI quan tâm nên cần có các khu công nghiệp chú trọng môi trường xanh, quan tâm đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị), giảm phát thải carbon…
Doanh nghiệp ưu tiên chọn thuê ở khu công nghiệp xanh
Bà Lê Thị Huyền Trang, giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn (JLL Việt Nam), nhận định Việt Nam đang ở thời điểm gần như là bước ngoặt trong thu hút các doanh nghiệp ngành bán dẫn và Việt Nam cần làm nhanh hơn nữa bởi các nước khác cũng đang cạnh tranh. Theo bà Trang, việc chuyển đổi xanh các khu công nghiệp tốn kém ở giai đoạn đầu, cần có sự hỗ trợ về vốn, chính sách để đưa mô hình xanh hóa đi vào thực tiễn.
Trong khi đó, ông Paul Tonkes, phó giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp (Công ty Indochina Kajima Development), đánh giá xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa ngày càng được các nhà phát triển khu công nghiệp quan tâm và thực tiễn cũng cho thấy nhiều khách hàng tìm đến các khu công nghiệp vì "tính xanh", "tính bền vững" của dự án.
Theo ông Paul Tonkes, đặt các nhà máy tại các dự án xanh sẽ giúp doanh nghiệp hiện thực mục tiêu phát triển xanh, bù trừ thuế phát thải, rộng cửa xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về các chứng chỉ môi trường.
Đề xuất cần có chính sách để chuyển đổi xanh
Ông Paul Tonkes đề xuất cần có các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển xanh và phát triển bền vững, từ đó giúp các nhà đầu tư nắm bắt được định hướng, tự tin hơn khi đầu tư, chuyển đổi xanh cho các dự án khu công nghiệp.
"Nhu cầu chuyển dịch xanh đang ngày càng mạnh mẽ, nếu trước đó còn là một lựa chọn thì nay đó là hướng đi bắt buộc. Phản ánh từ các khách thuê cho thấy năng lượng là một vấn đề lớn rất được doanh nghiệp quan tâm, nhất là doanh nghiệp ngành bán dẫn. Với bối cảnh hiện nay, điện mặt trời áp mái là một giải pháp tốt cho nhà đầu tư", ông Paul Tonkes nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận