Ngày 27-2 tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra phiên họp cấp cao khóa 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.
Tỉ lệ nữ tham chính của Việt Nam đứng tốp đầu thế giới
Theo Bộ Ngoại giao, phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng chia sẻ các thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.
Cụ thể, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng hơn 8,02%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm nước cao.
"Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%", ông Quang chia sẻ.
Với tư cách là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Phó thủ tướng thông báo về quyết tâm, những nỗ lực của Việt Nam trong nhiệm kỳ này.
Ông khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là "Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người".
Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng Nhân quyền, vì một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.
Đề xuất của Việt Nam
Chia sẻ tại cuộc họp, Phó thủ tướng nhận định các thành tựu đảm bảo quyền con người đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng.
Những thách thức đó còn bao gồm thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch COVID-19.
"Mỗi quốc gia, từng khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau do những đặc thù riêng về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hóa, áp đặt, can thiệp", Phó thủ tướng chia sẻ.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
"Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế", ông khẳng định.
Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng đề xuất Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua văn kiện khẳng định giá trị và cam kết của tất cả các nước đối với Tuyên ngôn nhân quyền, Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận