29/06/2019 12:38 GMT+7

Việt Nam muốn hợp tác kinh tế số với G20

D.KIM THOA - D.AN
D.KIM THOA - D.AN

TTO - Ngày 28-6, tại Trung tâm hội nghị Intex của TP Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Việt Nam muốn hợp tác kinh tế số với G20 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - Ảnh: TTXVN

Năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự G20 với tư cách khách mời đặc biệt, tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp trong khuôn khổ G20 và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị.

Chú trọng kinh tế số

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại phiên họp về Đổi mới sáng tạo chiều 28-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019.

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các nước G20 khuyến khích đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, song vẫn bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế và nội luật quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh cách tiếp cận của các nước G20 về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh sáng tạo công nghệ mới trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.

Thủ tướng đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các trung tâm nghiên cứu - phát triển AI, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo và AI, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Tại sự kiện bên lề về kinh tế số, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố chung Osaka về nền kinh tế số.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với Chủ tịch Trung Quốc, các tổng thống Mỹ, Chile, các thủ tướng Ấn Độ, Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác.

Lo ngại về căng thẳng thương mại

Ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 khép lại với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu cho thương mại. Những nụ cười, những cái bắt tay trong ngày khai mạc rõ ràng là chưa đủ làm dịu đi những căng thẳng đã và đang tồn tại giữa một số nước lớn thành viên.

Theo lời một quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản, tới dự hội nghị ở Osaka, nhiều nhà lãnh đạo trong nhóm G20 đã bày tỏ nỗi lo của họ trước những căng thẳng thương mại và các nguy cơ đe dọa nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hiện nay. 

Từ đó, giới lãnh đạo đồng thuận về nhu cầu G20 phải trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

"Đã có những thảo luận về việc làm sao giải quyết những thách thức chung, trong đó có nhu cầu thúc đẩy tự do thương mại và cải cách Tổ chức Thương mại thế giới" - Hãng tin Reuters dẫn chia sẻ của phó chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Abe kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hợp tác với nhau để giải quyết những căng thẳng thương mại và chính trị. Ông Abe gọi đó là những nguy cơ với tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu. 

Phần lớn thời gian thảo luận tại kỳ họp G20 lần này được cho sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn: thương mại, những căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu.

Trong tư cách chủ nhà của G20, ông Abe không mong gì hơn là sự kiện chính trị quan trọng lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản này không rơi vào những mâu thuẫn gay gắt. 

Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định các nền kinh tế "mở và tự do" sẽ là yếu tố thiết yếu để có được hòa bình, thịnh vượng. Ông lặp lại quan điểm không có bên nào hưởng lợi từ những động thái trừng phạt trả đũa lẫn nhau về thương mại.

Kỳ vọng đình chiến thương mại

Hôm nay 29-6, cả thế giới hướng về kết quả cuộc gặp bên lề G20 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại hội nghị ngày 28-6, ông Trump nói mặc dù ông không hứa với ông Tập về việc hoãn thi hành việc tăng áp thuế bổ sung với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc, song cũng bày tỏ ông cảm thấy cuộc gặp của họ sẽ có hiệu quả. Về phần mình, Bắc Kinh cũng hi vọng Washington sẽ đáp ứng những yêu cầu của họ để hai bên có thể dàn xếp các xung đột thương mại.

Tại G20, theo ghi nhận của báo Guardian, nhiều nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch châu Âu Jean-Claude Juncker đã cùng hối thúc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung, giải quyết những bất đồng khác biệt trong cuộc gặp ngày 29-6.

ĐỖ DƯƠNG

Hàng loạt cuộc gặp song phương quan trọng

Trong ngày làm việc đầu tiên, bên cạnh những phiên họp chung là rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương. Những cuộc gặp bên lề G20 được giới truyền thông quan tâm nhiều hơn cả là cuộc gặp Mỹ - Nga, Mỹ - Nhật, Nga - Anh, Mỹ - Ấn Độ... Phía sau những cánh cửa phòng họp đóng kín, dư luận tin rằng các nhà lãnh đạo sẽ bàn về nguy cơ xung đột nổ ra giữa Washington và Tehran cũng như cuộc chiến tranh thương mại chưa có tín hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ với Trung Quốc, Washington cũng đang vướng vào những xung đột thương mại với Nhật và Ấn Độ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng lãnh đạo các nước G20

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Osaka (Nhật Bản) trong ngày làm việc đầu tiên.

D.KIM THOA - D.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên