Ngày 17-10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được đề nghị từ Tuổi Trẻ Online cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Campuchia rút khỏi cơ chế hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA).
Về vấn đề này, bà Hằng nhấn mạnh ngay từ đầu rằng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó hữu nghị và tin cậy giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là tài sản quý báu đối với cả ba dân tộc.
Giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có khá nhiều các cơ chế hợp tác, trong đó có CLV-DTA. Mỗi cơ chế, theo đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, đều có giá trị và đóng góp riêng cho quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như sự phát triển của cả ba nước.
Với CLV-DTA, trong 25 năm qua hợp tác giữa ba nước theo cơ chế này đã góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống cũng như hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân và góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống người dân tại khu vực biên giới cũng như tại ba nước.
"Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham vấn với Lào, Campuchia để tiếp tục thúc đẩy các hợp tác giữa ba nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, vì lợi ích của người dân ba nước, vì Cộng đồng ASEAN, vì ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực", bà Hằng nhấn mạnh.
Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sáng kiến thành lập CLV-DTA được ông Hun Sen, khi đang là thủ tướng Campuchia, đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Vientiane (Lào) năm 1999.
Sáng kiến nhằm mục đích triển khai các chương trình hợp tác của ba nước ở khu vực biên giới trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, đầu tư, thương mại, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục... qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối giữa ba nước.
Phạm vi của CLV-DTA bao gồm 13 tỉnh là: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié thuộc miền đông Campuchia; Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Trước đó, trong thông điệp đưa ra đêm 20-9, ông Hun Sen, trên cương vị chủ tịch Thượng viện Campuchia và chủ tịch Đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền, cùng Thủ tướng Hun Manet và các lãnh đạo cấp cao đã tuyên bố Campuchia sẽ rút khỏi CLV-DTA và có hiệu lực lập tức, theo báo Khmer Times 21-9.
Truyền thông Campuchia kế đó cho biết quyết định này đã được Quốc hội Campuchia thông báo đến Quốc hội Lào và Việt Nam. Câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay 17-10 đánh dấu phản ứng công khai đầu tiên của Việt Nam trước quyết định rút khỏi CLV-DTA của Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận