Tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude của Pháp tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: AFP
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhận nhiều câu hỏi liên quan tới hoạt động gần đây của các nước như Trung Quốc, Pháp, và Mỹ ở Biển Đông.
Vừa qua xuất hiện một số thông tin đề cập tới sự xuất hiện của tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc gần khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại mỏ Hải Thạch thuộc lô 5-02, cách Vũng Tàu 330km. Sáng 24-2, tàu 5304 được cho đã tiếp tục hiện diện gần Hải Thạch.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
"Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đã được quy định trong UNCLOS, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Thu Hằng nói.
Tính từ đầu năm 2021, vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với hàng loạt hoạt động liên quan.
Hải quân Pháp xác nhận tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18-2, khởi động một nhiệm vụ ba tháng ở khu vực Thái Bình Dương, nơi họ sẽ hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5.
Theo chỉ huy tàu Tonnere, ông Arnaud Trachant, đây là hành động nhằm "nỗ lực tăng cường" quan hệ đối tác giữa Pháp với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đây là nhóm bốn nước thuộc khuôn khổ đối thoại an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, còn gọi là QUAD.
Hoạt động của hai tàu Tonnere và Surcouf được công bố không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly xác nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông. Theo bà Parly, cuộc tuần tra này là "bằng chứng nổi bật cho năng lực triển khai xa nhà và lâu dài của Hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản của chúng tôi".
Về vấn đề này, người phát ngôn Thu Hằng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi cho rằng hoạt động trên Biển Đông của tất cả các quốc gia cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này", người phát ngôn nhấn mạnh.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về hoạt động gần Hoàng Sa và Trường Sa của tàu chiến Mỹ hồi đầu tháng 2, bà Thu Hằng nói: "Là thành viên của Công ước UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, kể cả các quy định liên quan tới hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển, được xác lập, phù hợp với Công ước. Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế ở Biển Đông".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận