Ngày 20-4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhận được câu hỏi từ truyền thông nước ngoài về công tác bảo hộ công dân ở Đài Loan.
Theo Đài truyền hình Phoenix của Hong Kong, vừa qua Indonesia đã lên kế hoạch sơ tán 350.000 công dân nước này ở Đài Loan "trước những căng thẳng vừa qua" giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Việt Nam coi trọng đảm bảo an toàn cho công dân
"Việt Nam có kế hoạch đưa kiều bào về nước tương tự hay không? Các nước ASEAN có cùng bàn bạc phương án ứng phó chưa?", Đài Phoenix nêu câu hỏi.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt khẳng định việc đảm bảo an toàn, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở ngoài nước "là chủ trương luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng".
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hòa bình, hợp tác khu vực và thế giới.
"Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan", phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng trong mấy tháng vừa qua khi Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quanh hòn đảo này.
Theo giới quan sát, các động thái của Bắc Kinh nhằm đáp trả lại cuộc gặp của lãnh đạo Đài Loan với các quan chức cấp cao Mỹ.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi. Bắc Kinh cũng phản đối các cuộc tiếp xúc giữa quan chức các nước với chính quyền Đài Bắc.
17 người Việt Nam ở Sudan vẫn an toàn
Cũng liên quan công tác bảo hộ công dân, trong họp báo ngày 20-4, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhận được câu hỏi về tình hình người Việt Nam ở Sudan.
Xung đột vừa mới bùng nổ ở quốc gia châu Phi này cuối tuần qua nhưng đã khiến hơn 3.300 người chết và bị thương.
Theo ông Việt, hiện có một người mang quốc tịch Việt Nam - Úc đang sống ở thủ đô Khartoum và 16 thuyền viên Việt Nam đang ở gần đó.
"Các công dân này hiện giờ vẫn an toàn. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và chuẩn bị biện pháp bảo hộ cần thiết khi cần", ông Việt nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo lực giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương.
Giao tranh xảy ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa lực lượng của tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu chính quyền quân sự Sudan và tướng Mohamed Hamdan Daglo, chỉ huy RSF, liên quan kế hoạch sáp nhập lực lượng bán quân sự này vào quân đội chính quy.
RSF được thành lập vào năm 2013, thuộc sự quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo quốc gia Sudan. Trong các hoạt động quân sự, RSF chịu sự chỉ huy của quân đội chính quy Sudan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận