24/10/2023 16:30 GMT+7

Việt Nam lần đầu có 'trợ lý ảo' dành cho tòa án

HOÀNG NAM
và 1 tác giả khác

Với trợ lý ảo được thiết kế riêng cho ngành tư pháp, các thẩm phán có thể tiết kiệm nhiều giờ làm việc và dễ dàng tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả nước.

Thẩm phán tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy thường xuyên sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc - Ảnh: HOÀNG NAM

Thẩm phán tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy thường xuyên sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc - Ảnh: HOÀNG NAM

Các trợ lý ảo hỗ trợ các ngành lập pháp, tư pháp, hành chính dành riêng cho Việt Nam đang được các doanh nghiệp phần mềm trong nước phát triển.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3 của bộ.

Theo ông Hùng, các sản phẩm số này được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả làm việc của công chức cũng như trải nghiệm dịch vụ công của người dân.

Sản phẩm được ông Hùng đề cập đến đầu tiên là sản phẩm trợ lý ảo do Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) phát triển, dùng trong ngành tòa án để hỗ trợ các thẩm phán.

Theo ông Hùng, việc trợ lý ảo phục vụ tòa án được thử nghiệm thành công là một điểm sáng trong phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng và mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ nói chung, bước đầu hướng tới mục tiêu mỗi cán bộ công chức, viên chức có một "trợ lý riêng" bằng giải pháp công nghệ.

Trợ lý ảo đã giúp các thẩm phán giảm tải khối lượng công việc liên quan đến tra cứu thông tin, xử lý hồ sơ... - Ảnh: HOÀNG NAM

Trợ lý ảo đã giúp các thẩm phán giảm tải khối lượng công việc liên quan đến tra cứu thông tin, xử lý hồ sơ... - Ảnh: HOÀNG NAM

Trợ lý ảo giảm tải khối lượng công việc

"Tòa án Cầu Giấy có 13 thẩm phán, các thẩm phán đều được cấp tài khoản trợ lý ảo. Ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ, nhưng khi đã sử dụng quen, ai cũng thấy rất hiệu quả", thẩm phán Lê Thị Khanh tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Vị thẩm phán cho biết trợ lý ảo gần như thay thế nhu cầu tra cứu tài liệu giấy, giúp tiết kiệm thời gian.

"Với công việc mã hóa bản án để công khai trên cổng thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, trước đây các thẩm phán mất một buổi để mã hóa từ bốn đến năm bản án, với trợ lý ảo chúng tôi chỉ cần dưới một giờ để mã hóa và đăng 10-15 bản án", thẩm phán Lê Thị Khanh cho biết.

Dữ liệu phát triển trợ lý ảo ngành tư pháp là hơn 160.000 văn bản pháp luật và hơn 1 triệu bản án, trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân tối cao cung cấp, theo ông Trần Mạnh Quân - phó giám đốc khối nền tảng trợ lý ảo tại Viettel CyberSpace.

"Trợ lý ảo có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, điều này phù hợp với nhu cầu đặc thù của các thẩm phán, khác với người sử dụng thông thường", ông Quân cho biết.

Trong nhiều trường hợp, các thẩm phán cần văn bản pháp luật phù hợp với thời gian xảy ra vụ việc, thay vì chỉ cần văn bản hiện hành như nhu cầu tra cứu phổ thông.

Tòa án sẽ sử dụng "trợ lý ảo" để giúp việc cho thẩm phán, tư vấn pháp lý cho dânTòa án sẽ sử dụng 'trợ lý ảo' để giúp việc cho thẩm phán, tư vấn pháp lý cho dân

TTO - Theo chánh án TAND tối cao, trong thời gian tới tòa án sẽ đưa ứng dụng 'trợ lý ảo' vào hoạt động nghiệp vụ, đóng vai trò như một thư ký làm việc thường xuyên, tư vấn ứng dụng, điều khoản pháp luật cho các thẩm phán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên