Thông điệp này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tại buổi họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về hệ thống lương thực thực phẩm bền vững diễn ra ngày 18-4.
Theo ông Hiệp, thông điệp của hội nghị lần này Liên Hiệp Quốc đưa ra là chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, hội nghị đưa ra 4 mục tiêu.
Thứ nhất, mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm.
Thứ hai, các chính sách, quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm.
Thứ ba, các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm.
Thứ tư là các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và sáng kiến của quốc tế.
Theo ông Hiệp, vấn đề quan trọng nhất tại hội nghị đó là nỗ lực liên kết các quốc gia để không chỉ trên cam kết mà phải bằng hành động.
Đồng thời, các quốc gia phải có sự hợp tác đa phương và song phương để thúc đẩy hệ thống lương thực toàn cầu.
"Với tư cách là nước chủ nhà đăng cai, thông điệp của Việt Nam là Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững" - ông Hiệp nói.
Sự minh bạch được ông Hiệp dẫn chứng câu chuyện thẻ vàng IUU. Hay tới đây, EU yêu cầu các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng của Việt Nam như cà phê, cao su, ca cao... muốn xuất khẩu thì phải chứng minh được sản phẩm không phải trồng trên diện tích do phá rừng.
"Minh bạch nguồn gốc sản phẩm không phải cho ai mà cho chính ngành sản xuất của chúng ta, từ đó có mới đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu từ các nước nhập khẩu" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, ngoài minh bạch sản phẩm thì câu chuyện trách nhiệm cũng phải được khẳng định. Trước khi có trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới thì chúng ta hãy có trách nhiệm với chính mình.
"Hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang nền sản xuất xanh, sạch. Bởi vậy cơ quan quản lý nhà nước cùng với các nhà sản xuất trong nước đồng hành với Chính phủ đưa phát thải về 0 vào năm 2050 được cam kết tại COP26. Để làm được điều này, vai trò của ngành nông nghiệp cũng rất quan trọng" - ông Hiệp nói.
Hội nghị toàn cầu lần 4 về hệ thống lương thực thực phẩm bền vững diễn ra từ ngày 24 đến 27-4 tại Hà Nội.
Đây là hội nghị cấp bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham dự.
Hội nghị gồm chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong 4 ngày với 9 phiên họp chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật.
Xen kẽ là đêm hội nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức vào tối 26-4 và một phiên họp bên lề cấp bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới cùng một buổi tham quan thực địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận