09/06/2022 19:16 GMT+7

'Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á'

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Tại diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 diễn ra ở Đà Nẵng vừa qua, các chuyên gia dự báo với đà phục hồi mạnh mẽ các chuyến bay thương mại hậu COVID-19, hoạt động hàng không Việt Nam sẽ trở lại trạng thái bình thường vào năm 2024.

Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á - Ảnh 1.

Các đại biểu trình bày về triển vọng ngành hàng không và du lịch Việt Nam hậu COVID-19 tại diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Ảnh: TẤN LỰC

Mặc dù còn nhiều khó khăn khi các thị trường lớn chưa hoàn toàn mở cửa cộng với giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng rộng mở trong các năm tới.

Hàng không thế giới phục hồi mạnh mẽ

Chia sẻ về tình hình phát triển hàng không toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ông Hans Mitterlechner, giám đốc ASM Australasia - doanh nghiệp chuyên tư vấn phát triển hàng không, nhận định ngành hàng không thế giới đang phát triển mạnh sau dịch. 

Các nhu cầu di chuyển thăm thân, gặp gỡ bạn bè, nghỉ dưỡng và hợp tác kinh doanh nở rộ thúc đẩy sự trở lại mạnh mẽ các chuyến bay. Theo ông Hans, dù các hoạt động trực tuyến nở rộ trong đại dịch giúp đỡ nhiều cho cuộc sống nhưng vẫn không đủ sức thay thế các cuộc gặp gỡ, trao đổi, đàm phán trực tiếp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.

Đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA), hoạt động vận tải hàng không quốc tế sẽ hồi phục chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường. 

Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á - Ảnh 2.

Du khách quốc tế bắt đầu trở lại Việt Nam nhiều hơn sau khi các hạn chế hàng không được dỡ bỏ - Ảnh: TẤN LỰC

Về tình hình Việt Nam, theo ông Đinh Việt Sơn, cục phó Cục Hàng không, hiện tại các hãng đã khôi phục phần lớn đường bay, tuy nhiên tần suất khai thác còn hạn chế do lượng khách du lịch chưa nhiều. 

Có thể nhìn thấy qua việc các thị trường du lịch lớn của nước ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, trong khi các thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga, bị đóng băng từ tháng 2 đến nay.

Dù vậy, ngành hàng không vẫn có nhiều cơ hội trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, môi trường chính trị - xã hội ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là những điểm được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn đối với khách quốc tế. 

Ngoài ra, tiềm năng thị trường nội địa vẫn rất lớn thể hiện qua tốc độ tăng trưởng bùng nổ của hành khách khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại, đặc biệt trong các dịp lễ lớn. Việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế và nới lỏng quy định nhập cảnh cho du khách đến Việt Nam là điểm cộng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Việt Nam - ngôi sao đang lên

Để kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường, ngành hàng không Việt Nam đã triển khai nhiều dự án nâng cấp hạ tầng. Trong đó quan trọng nhất là dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. 

Đây cũng là cơ hội cho các hãng hàng không mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách. 

Để hỗ trợ các hãng trong bối cảnh hậu COVID-19, cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp giảm thuế, giãn nợ và cho phép trả chậm, ưu tiên cấp lại suất bay cho các đường bay dừng hoạt động trong dịch và các hãng mở đường bay mới, làm việc với nhà chức trách hàng không các nước để hỗ trợ hãng bay Việt Nam đi quốc tế.

Đại diện cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp khai thác 22 sân bay trong nước, ông Nguyễn Quốc Phương, phó tổng giám đốc, nhận định Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á. 

Việt Nam là ngôi sao đang lên trong mạng trung chuyển hàng không châu Á - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trao đổi với đại diện nhà chức trách hàng không Ấn Độ về kế hoạch mở đường bay thẳng tới thị trường này - Ảnh: TẤN LỰC

Hiện tại ACV đang tập trung mọi nguồn lực cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Với việc áp dụng các công nghệ mới nhất, ông Phương hứa hẹn sân bay này sẽ đem lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. 

Đại diện ACV cho biết để hỗ trợ phục hồi ngành hàng không, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng phi mã hiện nay, doanh nghiệp này đang có một loạt ưu đãi như hỗ trợ dịch vụ thuê kiot sân bay, vận chuyển hành lý, phí marketing và các chương trình kích cầu cho những hãng mở đường bay mới.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Jay L Lingeswara, giám đốc thương mại Vietjet Air, nhìn nhận công nghệ thông tin sẽ mang lại đột phá cho ngành hàng không hậu COVID-19. 

Hỗ trợ hãng bay nhanh chóng phục hồi

Ở góc độ doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, giám đốc kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, đề xuất cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường quảng bá các điểm đến tại Việt Nam và kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày để hút khách quốc tế. Đồng thời, các sân bay cần hỗ trợ chi phí đậu đỗ, phí cất cánh, môi trường để chung tay hỗ trợ hoạt động hàng không vực dậy sau dịch, đưa Việt Nam thành điểm đến của thế giới.

Đà Nẵng tạo điều kiện để các hãng hàng không yên tâm khi mở đường bay Đà Nẵng tạo điều kiện để các hãng hàng không yên tâm khi mở đường bay

TTO - Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết ngành du lịch sẽ chuẩn bị các điều kiện để gửi khách miền Trung đến các thị trường xung quanh, tạo sự yên tâm cho các hãng hàng không khi lên kế hoạch mở đường bay tới Đà Nẵng.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên