Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chào phái đoàn ra đón ở sân bay quốc tế Kansai, TP Osaka chiều 27-6 - Ảnh: TTXVN
Theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam đến dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Nhật Bản được tổ chức trong hai ngày 28 và 29-6 tại thành phố Osaka.
Năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời đặc biệt và tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 10 năm qua, Việt Nam dự thượng đỉnh G20. Việt Nam là 1 trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn, chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu.
Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quốc tế Kansai, Osaka chiều 27-6 - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo chương trình, bên cạnh việc tham dự các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Thượng đỉnh G20. Thủ tướng cũng sẽ có một số cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp, tổ chức hữu nghị vùng Kansai trong thời gian ở Osaka.
Các nội dung thảo luận chính tại hội nghị G20, dự kiến là kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế.
Đây là Hội nghị G20 lần thứ 14, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng trở lại, nhiều điểm nóng địa - chính trị diễn ra phức tạp.
Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn, đang tìm hướng cải cách để thích ứng với bối cảnh mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận