Ngày 11-12-2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), tạo cơ sở để hai nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức vào tối 29-12 vừa qua - Ảnh: MOIT
Là năm đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với diễn biến nhanh và phức tạp, nhưng ngành công thương Việt Nam vẫn có nhiều sự kiện đáng khích lệ ghi nhận, nổi bật nhất là việc ký kết, đàm phán và triển khai thành công các hiệp định thương mại quan trọng được thực hiện trong năm nay.
Giữ vị trí bình chọn cao nhất cho hoạt động "Bứt phá trong công tác hội nhập", Bộ Công thương cho biết trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các FTA mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục từ các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, 5 tháng sau khi hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm trước, xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 12%...
Về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa ký kết tối 29-12, Bộ Công thương cho hay Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD tính đến tháng 8 năm 2020.
Sự kiện thứ hai được Bộ Công thương ghi nhận dành cho "Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương - Xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam". Ước tính xuất khẩu năm 2020 đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm trước, xuất siêu khoảng 19,1 tỉ USD.
"Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới" là sự kiện thứ 3 được tôn vinh trong bối cảnh số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019.
Cụm giàn khai thác dầu trung tâm công nghệ 3 của Vietsovpetro trên Biển Đông - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Các sự kiện lần lượt được xếp thứ 4 là "Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc".
Thứ 5 dành cho ngành "Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước".
Thứ 6 liên quan đến "Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã "cập bờ" từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; Phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu".
Thứ 7 đánh dấu việc "Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội".
Thứ 8 đề cập đến việc "Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại, thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid), giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch".
Thứ 9 hướng đến "Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng".
Thứ 10, "Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu" với dữ liệu ngành công thương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880/1.216 điều kiện (chiếm 70%). Đến thời điểm hiện tại, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận