Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo trong cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Nguyên thủ hai nước cùng thông báo kết quả nói trên tại cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm tại Cung điện Bogor sáng 22-12. Từ năm 2010 đến nay, hai nước đã có hàng chục vòng đàm phán liên quan các tuyên bố về EEZ chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.
"Hai bên đã kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại họp báo ngày 22-12.
Đề cập nội dung này, Tổng thống Indonesia cho biết: "Sau 12 năm nỗ lực đàm phán, hai bên đã hoàn tất đàm phán dựa trên UNCLOS 1982".
PGS.TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về luật biển, từng có bài viết gửi Tuổi Trẻ về vấn đề này. Theo nội dung bài viết, năm 1969, Indonesia đưa ra tuyên bố về nguyên tắc phân định biển dựa theo đường trung tuyến tính từ đường cơ sở quần đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia liên quan.
Dựa vào đặc điểm có một rãnh sâu tại đáy biển gần đảo Natuna Bắc của Indonesia, Việt Nam đã đưa ra đề nghị về ranh giới thềm lục địa nằm giữa đường trung tuyến xác định theo đường cơ sở và rãnh sâu gần đảo Natuna Bắc.
Ông Vũ Thanh Ca cho biết thông thường, theo UNCLOS 1982, đường ranh giới ngoài của thềm lục địa nói chung nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.
Tuy vậy, vì có đặc điểm về tồn tại rãnh sâu nằm gần đảo Natuna Bắc, Indonesia cho rằng ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Vì vậy, vào năm 2009 Indonesia công bố một tấm bản đồ trong đó ranh giới vùng đặc quyền kinh tế nằm ngoài vùng thềm lục địa đã thỏa thuận với Việt Nam.
Theo tuyên bố của Indonesia, đã xuất hiện một vùng chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Việc làm rõ vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xem xét việc các ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia cáo buộc "đánh cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận