GS Hoàng và bệnh nhân Vương. Anh Vương cho biết anh rất cảm ơn người hiến tặng cánh tay. “Tôi sẽ tích cực tập phục hồi chức năng để có thể theo đuổi ước mơ của mình” - anh Vương nói - Ảnh: BVCC
Theo GS.TS Nguyễn Thế Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện trung ương quân đội 108, phẫu thuật viên chính của ca phẫu thuật - thế giới đã thực hiện 89 ca ghép chi thể nhưng tất cả đều ghép từ cánh tay của người hiến đã chết não. Đây là lần đầu tiên thực hiện ca ghép từ người hiến còn sống.
Người hiến tay bị tai nạn ngày 3-1-2020, dẫn đến giập nát ở vùng cánh tay đến cẳng tay, các bác sĩ đã hết sức cố gắng, điều trị trong 18 ngày nhưng không thể bảo tồn được cánh tay cho bệnh nhân (do mức độ thương tổn nghiêm trọng, có nguy cơ nhiễm trùng), buộc phải chỉ định cắt cụt cánh tay.
Tuy nhiên cánh tay bị cắt cụt có một phần còn lành, có thể sử dụng để nối cho những trường hợp có chỉ định phù hợp.
Sau khi xem xét về chỉ số miễn dịch và các chỉ số liên quan, anh Vương đã được chọn. Ca ghép được thực hiện vào 27 tết, trong vòng 1 tuần sau đó các bác sĩ đã trực 24/24 để xem xét kết quả ca ghép, nguy cơ chống thải ghép...
"Ghép chi thể khác với ghép các nội tạng đơn độc, do chi thể có nhiều bộ phận như da, cơ, xương, dịch, thần kinh, trong đó riêng cánh tay và bàn tay có tới 43 cơ... Anh Vương cũng đã bị cắt cụt tay từ 2016, các cơ đã bị khâu nối vào nhau và các cơ đã không được hoạt động trong 4 năm qua", GS Hoàng cho biết.
Qua theo dõi hơn 1 tháng sau ghép, hiệu quả phục hồi của anh Vương khá rõ rệt, anh đang trải qua một quá trình tập phục hồi chức năng, tiến tới có thể phục hồi được chức năng của bàn tay và cẳng tay.
Theo GS Hoàng, cơ hội phục hồi của cánh tay sau ghép là rất tốt.
Từ ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới...
Khi còn làm việc tại Đức, GS Nguyễn Thế Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính tham gia ca ghép tay đầu tiên trên thế giới (năm 2008) cho bệnh nhân bị cụt 2 tay sau tai nạn giao thông.
"Khi trở về Việt Nam chúng tôi đã có chuẩn bị như thuốc men, danh sách bệnh nhân... để khi có thể sẽ thực hiện. So với ca ghép thực hiện ở Đức, hệ thống y tế có phát triển hơn và do đó thuận lợi hơn, một phần do bệnh nhân ghép ở cánh tay, chỉ có 4 cơ và mạch máu to hơn. Trong khi ca ghép này là ghép trên nền có nguy cơ bội nhiễm, 43 cơ và mỗi cơ có chức năng khác nhau, êkip hoàn toàn là các bác sĩ Việt Nam" - GS Hoàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận