02/06/2019 11:54 GMT+7

Việt Nam đề xuất giải pháp cho tranh chấp

NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)

TTO - Đối thoại Shangri-La (SLD) không còn là sàn diễn của những nước lớn, mà là diễn đàn bình đẳng, nơi tiếng nói của những nước nhỏ được chú trọng, theo thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Việt Nam đề xuất giải pháp cho tranh chấp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp song phương quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 1-6 - Ảnh: THU TRANG

Trong ngày 1-6, phái đoàn Việt Nam do Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu tham dự SLD đã có hàng loạt cuộc gặp với bộ quốc phòng các nước New Zealand, Anh, Pháp, Mông Cổ, Singapore, Malaysia và Mỹ.

Điểm hẹn cho đối thoại

Tham dự SLD lần này, phía Việt Nam nhận định tâm điểm sẽ là những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên bên lề sự kiện ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng các tranh chấp này chính xác là khác biệt về lợi ích, vì vậy cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không ai muốn đẩy tới xung đột. SLD vì vậy là diễn đàn để các bên đưa ra quan điểm, nhìn nhận, từ đó tiến tới giải pháp.

"Khác biệt lợi ích giữa các nước, đặc biệt các nước lớn, là quy luật phát triển. Vấn đề là đừng đẩy tranh chấp lợi ích tới xung đột về an ninh, về quân sự. Thứ hai, việc các nước lớn hợp tác hay xung đột với nhau nhưng đừng để ảnh hưởng tới các nước nhỏ" - ông Vịnh nói.

Theo ông, với cách tiếp cận vấn đề như trên, Việt Nam mong muốn đưa ra giải pháp để khu vực giải quyết tranh chấp, thông qua bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch ngày 2-6.

"Tiêu đề trong bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch gần như đã trả lời tất cả những vấn đề về tranh chấp và giải quyết tranh chấp. Đó là giải quyết trong không khí hòa bình, trên tinh thần đối tác và với trách nhiệm cộng đồng" - thượng tướng nói.

Trong số các phiên làm việc ngày 1-6, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã có cuộc gặp song phương đáng chú ý với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ông Shanahan khẳng định Mỹ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Trong thời gian tới đây, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác như thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt ưu tiên khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác đào tạo, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao...

Mỹ mềm dẻo chờ Trung Quốc

Về bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sáng 1-6, giới quan sát nhận định ông đã làm tròn vai khi vừa truyền tải đầy đủ thông điệp của Mỹ, vừa đảm bảo không đẩy căng thẳng lên cao như những ấn tượng mạnh mẽ người tiền nhiệm James Mattis mang lại tại SLD năm ngoái.

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean - nhà nghiên cứu thuộc Chương trình an ninh hàng hải (Mỹ) - nói với Tuổi Trẻ rằng ông Shanahan đã lặp lại hầu hết các điểm chính cần đề cập, vốn dĩ đã xuất hiện trên website của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

"Đầu tiên là thông điệp gửi Trung Quốc (kèm theo Nga và Triều Tiên), kêu gọi Bắc Kinh thay đổi thái độ. Thứ hai, là vai trò của đồng minh và những nước thân cận với Mỹ, gồm: Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và châu Âu. Thứ ba, là những gì Mỹ sẽ làm" - ông Collin Koh phân tích.

Trong phát biểu nêu trên, ông Shanahan được nhận xét đã cố gắng không đề cập trực tiếp và không nhấn mạnh quá nhiều tới Trung Quốc. Báo chí và học giả tại Singapore vừa qua chỉ ngầm hiểu quyền bộ trưởng Mỹ tố cáo Bắc Kinh là nhân tố gây bất ổn khu vực, sau đó kêu gọi các nước chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng để duy trì an ninh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Satoru Nagao - nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson (Mỹ) - cho rằng thông điệp của ông Shanahan dù chừng mực hơn so với một chiến lược gia và cựu binh sĩ như ông Mattis, nhưng nếu quan sát kỹ vẫn sẽ thấy ông yêu cầu Trung Quốc thay đổi thái độ rõ ràng. Sự chừng mực của Mỹ cũng phản ánh thực tế rằng các ý tưởng như hình thành liên minh dạng "bộ tứ an ninh" (QUAD) gồm: Mỹ, Nhật, Hàn và Úc hiện chưa thể tiến triển.

Trung Quốc ra thông điệp gì?

Ngược lại với những suy đoán về màn đối đầu trực diện giữa hai quan chức quốc phòng cao cấp Mỹ - Trung, thái độ tương đối chừng mực của Lầu Năm Góc gần như là gợi ý cho cách tiếp cận tương tự của Trung Quốc.

Tiến sĩ Zach Abuza tại Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ nhận định Trung Quốc ưu tiên trấn an mối lo ngại về sáng kiến Vành đai - con đường, vốn dĩ gặp nhiều chỉ trích đặc biệt trong năm qua về nghi án "ngoại giao bẫy nợ".

Trong khi đó tiến sĩ Nagao cũng cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở bài phát biểu sáng 2-6 sẽ nỗ lực thuyết phục các nước xung quanh đừng nghe lời kêu gọi của Mỹ về việc có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Trung Quốc kiên quyết phản đối lập trường của Mỹ ở Biển Đông

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phản đối lập trường của Mỹ về Biển Đông và Đài Loan, đồng thời cho rằng chiến tranh sẽ là kịch bản thảm họa.

NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên