Chốt chặn vào thôn Lệ Sơn Nam, chỉ một số người có giấy tờ hợp pháp mới được ra vào - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Từ nay đến cuối tháng 8-2020 được các chuyên gia đánh giá là "thời gian vàng" để dập dịch. Các tỉnh, thành đang triển khai nhiều biện pháp.
"Giữ chân" nguồn nguy cơ chờ điều tra dịch tễ
Tính đến chiều 3-8, chỉ riêng tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có tới 20 ca nhiễm COVID-19, số người được xác định F1 hơn 410 người. Một không khí khẩn trương chống dịch như chống giặc đang được triển khai đến từng ngõ xóm ở đây.
"Chỉ cần dưới kia (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng - PV) báo về là ai, nhà ở đâu nhiễm là cán bộ y tế ngay lập tức phải có mặt, yêu cầu người nhà ngồi một chỗ, đeo khẩu trang để chờ điều tra dịch tễ tới" - ông Bùi Nam Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, nói.
Trong đêm 2-8, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng đã có quyết định áp dụng biện pháp cách ly phong tỏa đối với thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Sáng 3-8, một hàng rào phong tỏa được thiết lập dày đặc để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm quy định cách ly. Lực lượng chức năng đã căng dây cảnh báo toàn bộ khu vực bị cách ly ở thôn. Đây là cách "giữ chân" nguồn nguy cơ để chờ điều tra dịch tễ.
Ở tại nhà, tránh tiếp xúc người thân
Đây là khu dân cư thứ 2 bị phong tỏa ở Đà Nẵng, sau vùng dân cư quanh 3 bệnh viện lớn nhất thành phố, nhưng lại là vùng thôn quê đầu tiên ở miền Trung bị phong tỏa vì dịch COVID-19. Ông Trần Đình Nhơn - bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến - cho biết khu vực bị phong tỏa có hơn 400 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, 21 chốt kiểm soát.
"Chúng tôi đã có phương án lập các tổ chốt chặn, y tế, hậu cần để đảm bảo bà con có điều kiện tối thiểu ở tại nhà, không vi phạm lệnh cách ly y tế. Tinh thần chung của người dân là phải ở tại nhà, ngồi tại chỗ vì mầm bệnh có thể đã vào cộng đồng. Không biết chừng trong nhà có ai đó nhiễm rồi cũng hay, vậy nên phải tự bảo vệ cả người nhà với nhau trong khi chờ thành phố sàng lọc, xét nghiệm" - ông Nhơn nói.
Số ca nhiễm COVID-19 từ 25-7
Ngoài kiểm soát, trong nắm tình hình
Ông Bùi Nam Dũng cho biết ngay khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tại huyện đã triển khai hai lực lượng để ngoài kiểm soát chặt, trong nắm tình hình. Địa phương này đã lập gần 100 chốt kiểm soát, chốt chặn để đo thân nhiệt, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định cách ly. Đồng thời lập 130 tổ y tế COVID-19 cộng đồng để nắm tình hình, đo thân nhiệt mỗi khi có thông tin trên địa bàn có người liên quan đến các ca nhiễm.
Xét nghiệm, cách ly nhanh
TP.HCM đã có gần 37.000 người từng đến Đà Nẵng từ 1-7 khai báo y tế. Trong các ca bệnh, 6 ca dương tính được phát hiện có liên quan Bệnh viện Đà Nẵng. TP.HCM đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp: điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch; tăng cường sàng lọc, giám sát nguồn lây tại các cơ sở khám chữa bệnh; giám sát toàn bộ các tổ bay của các chuyến bay quốc tế, quốc nội và các thuyền viên lưu trú tại TP.HCM.
Theo TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), để kịp ứng phó với dịch bệnh giai đoạn mới, mỗi người dân phải có ý thức quay lại thực hiện nghiêm túc 7 khuyến cáo vệ sinh cá nhân của Bộ Y tế.
"Nếu như giai đoạn trước khi dịch bùng phát đều truy vết được nguồn gốc của F0, từ đó giúp theo dõi được con đường đi của dịch bệnh và chủ động xét nghiệm theo từng nhóm để ngăn chặn; thì ở giai đoạn này, F0 đang "giấu mặt", tất cả các ca dương tính đều phải được coi là F0. Do đó, vai trò của xét nghiệm bây giờ lớn hơn bất cứ lúc nào. Điều này bắt buộc chúng ta phải mở rộng phạm vi xét nghiệm để hỗ trợ việc tìm kiếm, khoanh vùng và dập dịch" - ông Hùng khẳng định.
BS Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp - cho rằng quan trọng nhất là phải truy được tất cả các vết từ những người từng đến các khu vực có nguy cơ dịch tễ nhằm cách ly để sàng lọc. Ngoài ra, cần phải chặn đứng nguy cơ "nhập khẩu nguồn lây" từ những người nước ngoài (đặc biệt Trung Quốc, Campuchia) nhập cảnh trái phép vào TP.HCM.
Tất cả bệnh nhân cấp cứu đến buồng sàng lọc
Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đề nghị bên cạnh việc triển khai khai báo y tế, buồng khám sàng lọc tại khoa khám bệnh, các bệnh viện phải nhanh chóng triển khai buồng cấp cứu sàng lọc COVID-19 ngay tại khoa cấp cứu. Tất cả các bệnh nhân đến cấp cứu đều phải qua buồng này và chỉ chuyển vào khoa sau khi sơ cấp cứu, khai thác thông tin dịch tễ.
Nếu nghi ngờ phải chuyển ngay đến khu cách ly của bệnh viện hoặc các bệnh viện điều trị COVID-19 bằng xe cấp cứu của bệnh viện hoặc Trung tâm cấp cứu 115. Tuyệt đối không để người bệnh tự đi.
Vẫn trong "thời gian vàng" để khống chế dịch
TS Phạm Quang Thái
Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch ở Đà Nẵng vẫn trong "thời gian vàng" có thể khống chế. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS PHẠM QUANG THÁI (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) chia sẻ quan điểm:
- Theo chu kỳ, cứ 5 ngày chúng ta có một lớp bệnh nhân mới. Thời điểm chúng ta phát hiện bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng hơn một tuần trước, tôi cho rằng đã trải qua 4 - 5 chu kỳ. Với 4 - 5 chu kỳ, số lượng bệnh nhân rất đông, đặc biệt trong môi trường bệnh viện có đặc điểm là kín, một người bệnh vào có thể là lây vài người.
Giai đoạn này tôi cho là vẫn có thể khống chế được, do số người mắc tìm được hầu hết đều liên quan bệnh viện, nếu có người mắc ngoài khu vực này nhiều lên thì nguy cơ sẽ cao hơn.
* Hiện ở Đà Nẵng có 6 người mắc COVID-19 tìm thấy ngoài cộng đồng và chưa có mối liên quan với bệnh viện?
- Vấn đề ở chỗ chúng ta vẫn đang trong quá trình lần ra gốc rễ của nguồn lây. Như bệnh nhân ở Hà Nội (nam bệnh nhân 23 tuổi), khi truy vết bằng điện thoại mới phát hiện anh này có dùng cơm ở gần bệnh viện, còn nếu không truy vết thì chúng ta vẫn tưởng bệnh nhân chỉ đi du lịch. Điều này hoàn toàn tương tự ở 6 trường hợp kia, nếu truy vết kỹ có thể cũng tìm thấy mối liên quan.
* Tổng số bệnh nhân liên quan khu vực Đà Nẵng đã tăng lên gần 150 người mắc COVID-19 trong hơn 1 tuần vừa qua, ông cho con số này có thể hiện là ổ dịch đang lan rộng?
- Tâm dịch vẫn ở Bệnh viện Đà Nẵng là chính. Người ta vẫn nói virus dễ lây hơn, bây giờ thử kiểm tra lại những trường hợp thứ phát lây từ nhóm bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng thì số lây ra thêm không nhiều.
Trong môi trường bệnh viện, không gian kín nên lây nhanh hơn. Ngày 3-8, số mắc mới giảm hơn một chút vì chưa đến chu kỳ tiếp theo, tôi cho là vẫn phát sinh thêm ca mới không tránh được. Nhưng những ca có nguy cơ đã cách ly vào một chỗ, việc xuất hiện thêm các ổ dịch mới là ít hơn.
* Về thời gian khống chế dịch, theo ông, thời điểm nào có thể đạt được điều này?
- Người lạc quan cho là 14 ngày, bi quan thì cho là 14 ngày ++, nhưng không ai dự đoán như vậy nếu chưa có đầy đủ các dữ liệu. Mình phải căn cứ trên kết quả giám sát bằng cách tăng số xét nghiệm lên. Nếu số liệu xét nghiệm như hiện nay và không có ca thứ phát thì có thể tạm yên tâm. Còn nếu tiếp tục xuất hiện ca thứ phát chưa tìm thấy nguồn lây thì cần tăng tốc điều tra bổ sung.
Tôi có nói trước đây là chu kỳ 5 ngày ghi nhận 1 lượt bệnh nhân mới, nếu chúng ta có thể "đánh" được 2 vòng tiếp xúc sẽ bắt kịp với tốc độ lây lan, như tốc độ xét nghiệm hiện nay tôi cho rằng vẫn đang ở mức tiệm cận số lượng xét nghiệm cần thiết. Vì thế khoảng 5 ngày nữa sẽ có dữ liệu đầy đủ hơn để đánh giá chính xác về thời gian khống chế dịch.
LAN ANH thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận