Vắc xin bệnh đậu mùa vẫn có hiệu quả với bệnh đậu mùa khỉ, theo WHO - Ảnh: REUTERS
Ngày 23-6, trả lời câu hỏi của truyền thông nước ngoài về việc liệu Việt Nam có thay đổi quy định nhập cảnh trong bối cảnh dịch đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang tích cực phòng chống căn bệnh này.
Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và địa phương trong nước đề nghị tăng cường giám sát, ngăn chặn và phát hiện sớm ca bệnh ngay tại các cửa khẩu và cơ sở y tế, nhất là những trường hợp đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Việt Nam cũng tích cực tổ chức các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này, cũng như biện pháp phòng chống. Cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh xảy ra trên thế giới để có thể triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp", bà Thu Hằng thông tin thêm.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận ở châu Á vào đầu tuần này tại hai nước Hàn Quốc và Singapore.
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở khu vực Trung, Tây Phi từ hàng chục năm qua và hiếm khi lan ra ngoài châu Phi. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, hàng ngàn ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại các nước châu Âu khiến nhiều nước lo ngại một đại dịch mới sau COVID-19.
Hầu hết các ca đậu mùa khỉ ghi nhận đều có biểu hiện ban đầu là sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức.
Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt, phần lớn trong số này sẽ nổi ban kèm ngứa ngáy từ 1 - 3 ngày. Người bệnh ban đầu sẽ xuất hiện các mụn mủ trên mặt, sau đó lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể.
Ngày 22-6, WHO đã tổ chức cuộc họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lan tới 42 quốc gia với số người bệnh là hơn 2.100 ca.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận