Nhiều câu hỏi cho phát triển điện gió ngoài khơi đã được nêu ra tại hội thảo do Ban Kinh tế trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức ở Hà Nội ngày 16-3, như "làm thế nào để có sự khởi động thành công?", và "Việt Nam có thể tạo được niềm tin giúp thu hút nguồn vốn đầu tư cần thiết bằng cách nào?".
Điện gió ngoài khơi là "cơ hội kép" cho Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết khoảng 8% diện tích lãnh thổ Việt Nam (tương đương 112GW) được đánh giá tiềm năng năng lượng gió tốt.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển khoảng 16GW điện gió trên bờ và gần bờ, khoảng 7GW điện gió ngoài khơi. Tỉ trọng điện gió sẽ chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.
Theo ông Hiển, phát triển điện gió ngoài khơi sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng cùng với đó là không ít khó khăn, như kỹ thuật phức tạp, nguồn vốn lớn, quy định về quy hoạch, khảo sát, không gian biển...
Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh điện gió ngoài khơi là một "cơ hội kép" cho Việt Nam: vừa cung cấp nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, vừa hỗ trợ Việt Nam đạt cam kết tại Hội nghị COP26 là phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Đại sứ Prytz khẳng định Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam nhưng mong sớm có khung pháp lý "rõ ràng, nhất quán", mở đường bằng việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Chờ dự án điện gió ngoài khơi thí điểm
Các chuyên gia tại hội thảo đều chung nhận định Việt Nam đang ở thời điểm chín muồi để khởi động ngành điện gió, nếu muốn đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII.
Một trong các thuận lợi là Việt Nam có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể huy động ngay lập tức để phục vụ việc xây dựng, thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết cho trang trại điện gió ngoài khơi.
Ông Henrik Scheinemann, đồng giám đốc điều hành của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), cho rằng Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung pháp lý.
Ngoài học hỏi kinh nghiệm các nước, Việt Nam cũng nên thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm nhằm xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành này.
Đồng quan điểm, ông Mark Huchinson, chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho rằng có thể thực hiện thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi 2-3GW bằng các nguồn tài chính hỗn hợp để giảm chi phí.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm về một số vấn đề như cơ chế cấp phép cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi, cách lựa chọn các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi.
Vì sao phải phát triển điện gió ngoài khơi?
Lợi thế của điện gió ngoài khơi so với điện gió trên bờ và gần bờ, hay điện mặt trời, là diện tích không giới hạn, ít xung đột với cộng đồng địa phương.
Việt Nam và Đan Mạch đã ký một hiệp định hợp tác lâu dài vào năm 2013 nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải carbon thấp.
Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đang phát triển dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW ở tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận