09/11/2012 14:21 GMT+7

Việt Nam đăng cai Asiad 2019: mừng hay lo?

Huỳnh Tấn Dũng (nhim911us@...)
Huỳnh Tấn Dũng (nhim911us@...)

TTO - Bạn đọc đã đón nhận thông tin Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức Asiad 2019 với tâm lý lo lắng nhiều hơn vui mừng. Lo bởi khi kinh tế khó khăn, việc chi một khoản tiền lớn như thế có hợp lý.

Chưa kể, khoản tiền dự kiến ấy hoàn toàn có khả năng "đẻ số" với những phát sinh ngoài ý muốn. Và hơn thế nữa, là nỗi lo liệu những công trình phục vụ cho Asiad sau đó có được sử dụng hiệu quả, một đại hội như thế có làm thể thao Việt Nam tiến bộ?

aJAyaGsh.jpgPhóng to
Để tổ chức Asiad Quảng Châu 2010, nước chủ nhà Trung Quốc đã chi đến 18,7 tỉ USD. Còn VN dự kiến tốn 4.162 tỉ đồng cho Asiad 2019 - Ảnh: Reuters

TTO xin trích đăng:

+ Bài toán khó cho ngân sách! Trao quyền đăng cai Asiad 2019 cho Việt Nam là một tin vui cho ngành TDTT VN trong thời buổi hội nhập thể thao quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tổ chức tốt đại hội này là một bài toán khó cho ngân sách nước nhà. Chúng ta đã cân đối, bớt nhiều khoản chi, đầu tư để đảm bảo tăng lương đúng lộ trình (dự kiến chỉ tăng 100.000 đồng). Nay với việc này, để ngành TDTT "nở mặt nở mày", người dân lại phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng.

Đây sẽ là một đại hội mà phần lớn người dân lao động VN không hề muốn tổ chức.

+ Với một đất nước có nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hạ tầng thiếu đồng bộ, năng lực quản lý có phần hạn chế, trình độ thể thao về cơ bản còn yếu và không đồng đều như Việt Nam, thiển nghĩ việc xin đăng cai và được trao quyền đăng cai Asiad 2019 chỉ tạo thêm nỗi lo hơn là niềm tự hào.

+ Thật tình tôi chỉ mong sao chúng ta "thất bại" trong cuộc chạy đua quyền đăng cai Asiad 2019. Vì nếu thất bại thì lại là "đại phúc" cho chúng ta đấy, bởi vì thật là viển vông khi chỉ với số tiền như vậy mà các vị "có trách nhiệm" của Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic VN lại có thể tổ chức Thế vận hội châu Á "thành công rực rỡ" được.

Không phải chúng ta không muốn vươn tới tầm châu lục trong lĩnh vực thể thao. Không phải chúng ta không muốn cùng bạn bè quốc tế chung tay tổ chức những Thế vận hội hoành tráng... Vinh dự lắm chứ, nhưng như cổ nhân đã dạy: Liệu cơm gắp mắm. Lúc này đây còn biết bao khó khăn, còn biết bao việc cần làm hơn là giành quyền đăng cai đại hội tầm châu lục. Đó là trường học, là bệnh viện... cho vùng sâu vùng xa, là lương cho cán bộ viên chức và lương hưu cho những người về hưu, là chế độ cho những gia đình chính sách... Nhiều chuyện quan trọng khác đang rất, rất cần phải có tiền để chi tiêu.

Xin hãy đừng quá tự tin khi nói rằng chỉ với số tiền ít ỏi như vậy mà tổ chức thành công Thế vận hội. Không biết rồi đây khi chúng ta giành được chiến thắng quyền đăng cai Thế vận hội này thì số tiền chi ra sẽ "đẻ số" tới mức nào đây? Và lúc đó thì dù có phải chi nhiều trăm triệu hoặc hơn nữa cũng đành phải bấm bụng mà chi vì đã "thắng" rồi.

Tôi hơi cực đoan nhưng có kiến nghị thế này: Nếu sau này trong quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức Thế vận hội, số tiền các vị đề xuất Chính phủ chi ra ban đầu tăng lên bao nhiêu thì các vị "tham mưu" việc đề xuất này phải bỏ tiền ra mà bù cho đủ, nếu đời các vị trả không xong thì đời con, đời cháu các vị phải trả.

Liệu có ai trong số các "tham mưu" này dám hứa như thế hay không? Khi các vị dám hứa như thế thì dân chúng tôi hoan nghênh và lúc nào cũng ủng hộ các vị cả.

Tiền của Nhà nước cũng chính là tiền thuế của dân, đó không phải tiền chùa muốn xài thế nào cũng được. Mong các vị "tham mưu" nhớ cho để dân được nhờ.

+ "Toát mồ hôi" với "tin vui" này - 150 triệu USD quả là cái giá quá rẻ cho một kỳ Thế vận hội khu vực. Nhưng có phải chỉ dừng ở con số khiêm tốn đó không? Kinh tế đất nước đang gặp quá nhiều khó khăn, thời gian tới cũng vậy.

Mang "niềm vui" này đến thật sự vừa mừng vừa lo!

Mời xem thêm:

+ Cuối cùng thì có gì vui? Một Asiad thành công hay là những công trình nói theo dân địa phương là sau đó chỉ "dành cho chó chạy rông"? Mong sao tiền của nhân dân không bị lãng phí.

+ Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam lại tổ chức kỳ Asiad này. Xem ra việc làm này thật thiếu tính toán, cân nhắc, nhất là đối với người nghèo và những người có thu nhập thấp.

Rất mong Thanh tra Chính phủ để mắt tới các công trình xây dựng, cơ sở vật chất hay những dự án đầu tư phục vụ Asiad này để người dân được nhờ.

+ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất rất... sáng suốt khi kịp rút lui trong thời buổi kinh tế khó khăn này! Họ giàu mà còn xin rút lui, còn VN mình nghèo nhưng chưa học được bài học Hi Lạp suy sụp bởi Olympic!

+ Trong khi cả nước phải chờ đỏ mắt mới được tăng 100.000 đồng lương tối thiểu vào năm 2013 và phải cắt giảm đủ thứ thì chúng ta lại đăng cai hoạt động cực kỳ tốn kém này. Nghĩ mà chạnh lòng!

+ Ngân sách đang túng thiếu mà đăng cai hoạt động tốn tiền khủng này. Lộ trình tăng lương cho cán bộ của Chính phủ phải dãn ra do ngân sách không đủ, còn nhiều nơi rất nghèo cần được đầu tư. Vậy mà lại đem vốn đầu tư vào những hoạt động như thế này.

+ Có một thực tế đáng lo ngại ở Việt Nam là nhiều công trình bị tình trạng ăn bớt vật tư, thi công ẩu tả nên công trình sau đó mau xuống cấp. Và thực tế nhiều công trình sau khi phục vụ xong các đại hội thể thao cũng đã bị sử dụng không đúng mục đích.

+ VN giành quyền đăng cai Asiad năm 2019. Tin này chắc sẽ làm nhiều người cảm giác không vui. Sao không đợi đến sau năm 2029, chúng ta xin đăng cai có khi lại phù hợp hơn.

+ Không có gì ngạc nhiên khi Hà Nội được chọn vì chỉ có một đối thủ là Surabaya (Indonesia) - thành phố lớn thứ 2 của Indonesia, nơi mà an ninh đang là một vấn đề. Với tình hình hiện nay của đất nước chúng ta, thời gian bảy năm tới không phải là dài, và có thể là không đủ cho việc chuẩn bị tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất châu Á.

Chỉ cần nhìn vào cơ sở hạ tầng thể thao, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước và ngành thể thao nói riêng cùng trình độ HLV, VĐV của VN cũng đủ để hình dung điều này. Vì vậy, đây thực sự là tin buồn nhiều hơn vui.

Tôi không tin con số 150 triệu USD kinh phí tổ chức là đủ. Tôi lo ngại nhiều về khả năng phát sinh chi phí và tất nhiên cả vấn nạn tham nhũng, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đó là những vấn đề chúng ta đã từng gặp khi tổ chức SEA Games.

Những người mang sự kiện này về VN sẽ không còn tại vị vào năm 2019, vậy nếu những vấn đề trên xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm? Hay là cũng không có ai?

Huỳnh Tấn Dũng (nhim911us@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bạn đọc Asiad 2019 OCA