Đoàn khách quốc tế thăm Hội An theo chương trình hộ chiếu vắc xin - Ảnh: LÊ TRUNG
Thông tin được ông Khánh đưa ra trong Diễn đàn du lịch toàn quốc 2021 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trực tuyến sáng 30-11. Diễn đàn với chủ đề Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam kéo dài sang đầu giờ chiều 30-11, thu hút sự tham gia của 26 hiệp hội du lịch các tỉnh thành và hơn 1.000 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam đang triển khai ở 5 địa phương trong giai đoạn 1 đang thu được kết quả tốt.
Tính đến ngày 29-11, 3 địa phương đã đón khách quốc tế là Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa, với lượng khách đạt 978 khách.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mở rộng thêm, tiến tới sớm mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế. Tuy nhiên, do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới nên Tổng cục Du lịch vừa thực hiện thí điểm đón khách quốc tế vừa theo dõi bám sát tình hình dịch bệnh, theo dõi sát những chỉ đạo chung của Chính phủ.
Cùng với việc thận trọng mở cửa bởi biến chủng mới, Tổng cục Du lịch cũng quan sát và đánh giá cao mô hình thí điểm đón khách quốc tế đến Phuket của Thái Lan rất thành công khi hiện nước này đã mở cửa đón khách từ 63 quốc gia và kết nối tới các địa phương của Thái Lan.
Vì vậy, ông Khánh cho biết Tổng cục Du lịch đang tích cực chuẩn bị kỹ cho phiên làm việc tới đây của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Thái Lan liên quan đến việc trao đổi khách giữa hai nước ở giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Dự kiến sẽ làm điểm giữa Thái Lan và Việt Nam vì đây là thị trường nguồn, sau đó sẽ nhân rộng thêm.
Theo chương trình thí điểm đảo đổi khách giữa hai nước thì từ tháng 12 này sẽ có đoàn khách du lịch quốc tế từ Thái Lan sang Việt Nam.
Tại diễn đàn, từ tiếng nói của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT Vietravel - kiến nghị để hoạt động du lịch phục hồi trở lại thì phải đảm bảo bằng được việc đồng bộ chính sách từ chính quyền trung ương tới địa phương, giữa các địa phương với nhau, không có sự "quay xe" như vừa qua, khi chính sách từ trung ương khá thông thoáng nhưng địa phương lại mỗi nơi một cách áp dụng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều "hàng rào kỹ thuật".
Ngoài ra, chuyện thay đổi liên tục về chính sách cũng khiến doanh nghiệp rất hoang mang.
Từ phía các chuyên gia thì cảnh báo ngoài các chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp du lịch và người làm du lịch thì rất cần chuẩn bị nhân lực cho ngành du lịch hồi phục, phải thu hút lại nhân lực du lịch thời gian qua đã chuyển sang ngành khác và tuyển thêm nhân lực mới và tất cả đều phải được đào tạo về an toàn dịch bệnh trong du lịch, cũng như những kiến thức giữ gìn bảo vệ môi trường.
Việc chuẩn bị chương trình đào tạo cho hướng dẫn viên du lịch không chỉ của các cơ sở đào tạo mà chính các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị để đào tạo cho đội ngũ của mình.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có sản phẩm du lịch mới do đã có sự thay đổi xu hướng và nhu cầu du lịch.
Từ phía các địa phương thì cần đẩy nhanh việc tiêm phủ vắc xin, đồng thời nâng cao năng lực y tế địa phương, đặc biệt là những nơi có các khu, điểm du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận