29/05/2014 18:43 GMT+7

Việt Nam còn nhiều ràng buộc khiến khó phát triển

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Ngày 29-5, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố báo cáo kinh tế VN 2014. Nhiều nhận định thẳng thắn như cải cách chưa đủ cho phục hồi kinh tế được đưa ra và khuyến nghị VN cần làm mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh đang căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông…

Theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc VEPR, sự xâm phạm chủ quyền VN của Trung Quốc, những khó khăn trong nội bộ đang đặt ra câu hỏi về sức chịu đựng của nền kinh tế. Vì vậy, cần phải xác định rõ những ràng buộc trong tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay nhằm cải cách đúng hướng hơn.

Nhiều ràng buộc khiến VN khó phát triển

Theo báo cáo 2014 của VEPR, kinh tế VN đã có dấu hiệu phục hồi từ 2013 và quý 1-2014 nhưng rất mong manh. Do năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thực vững chắc khi khối doanh nghiệp trong nước vẫn “yếu đuối”, doanh nghiệp FDI ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Dùng các mô hình kinh tế lượng để chứng minh, báo cáo của VEPR khẳng định thâm hụt ngân sách và chi phí đầu vào cao là một trong những ràng buộc cho tăng trưởng ở VN. Theo VEPR, tổng thuế trên lợi nhuận thương mại ở VN đang chiếm 35% trong khi ở Indonesia là 32%, Thái Lan 30% và Trung Quốc là 64%. Dù mức thuế của VN không hẳn là quá cao so với khu vực nhưng VEPR cho biết tham nhũng ở VN lại được đánh giá có mức độ nghiêm trọng. Báo cáo thẳng thắn khẳng định “đây chính là một ràng buộc trong tăng trưởng trọng yếu”. Dẫn nhiều nghiên cứu, VEPR cho biết khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 của chính VN đã cho thấy 65,8% doanh nghiệp FDI nêu VN tham nhũng cao hơn những nước khác họ từng khảo sát đầu tư. Và không chỉ có nghiên cứu này, theo một chỉ tiêu đánh giá về mức độ kiểm soát tham nhũng của Kaufman và cộng sự thì “VN có mức độ tham nhũng nghiêm trọng nhất trong khu vực”.

“Sức mua của VN vẫn chưa tăng. Kinh tế VN có dấu hiệu hồi phục nhưng rất nhẹ và mong manh, nên điều hành rất quan trọng, có thể nâng đỡ nhưng cũng có thể đánh mất xu hướng đó”

TS Nguyễn Đức Thành

Ràng buộc về hạ tầng, nêu trong báo cáo năng lực cạnh tranh của thế giới năm 2013-2014, VN vẫn giữ hạng 82 về cơ sở hạ tầng. Thứ hạng này chỉ cao hơn Philippines đứng thứ 96. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh FDI với VN lại có thứ hạng cao hơn nhiều lần. Như Indonesia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 47, Trung Quốc 48 và Malaysia 29. Trong khi đó, có tới 85% nhà đầu tư đã chọn các tỉnh có hạ tầng tốt nhất để đổ vốn vào làm ăn. Trong yếu tố hạ tầng, VEPR cảnh báo thêm hạ tầng năng lượng như điện tới đây cũng có thể thành một ràng buộc quan trọng ảnh hưởng đến VN.

Trong khi đó, những cải cách, tái cơ cấu, dù đã được khẳng định quyết tâm rất lớn, nhưng mới đạt kết quả mang tính khởi động, chậm so với kỳ vọng.

Đánh giá chi tiêu Chính phủ, chi thường xuyên (cho bộ máy, tiền lương…) đã lên tới 78% tổng chi nhà nước, ông Nguyễn Đức Thành bày tỏ lo ngại khi thu ngân sách giảm, nhưng chi ngân sách lại không giảm tương ứng, thực tế đã khiến tăng rủi ro lên thị trường vốn và ảnh hưởng đến niềm tin thị trường. Ông Thành nhấn mạnh tổng chi tiêu nhà nước cứ tăng, chi thường xuyên tăng đang cho thấy có nguy cơ bành trướng bộ máy cả cấp trung ương và địa phương.

Cẩn thận “bẫy tự do hóa thương mại”

VN đang xúc tiến nhiều hiệp định tự do hóa thương mại. Báo cáo của VEPR nêu VN đang giữ lợi thế ở một số ngành cần nhiều lao động, dựa vào tài nguyên, hay hàng nông, thủy sản… VN cũng không tận dụng được hội nhập để cải cách.

Năm 2014, VN chỉ tăng trưởng khoảng 4,88%?

Theo TS Nguyễn Đức Thành, có thể thương mại với Trung Quốc sẽ xấu đi trong ngắn hạn. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của VEPR, ông Thành cho biết có hai phương án, trong đó đều đã tính những tác động từ căng thẳng với Trung Quốc. Với phương án ảnh hưởng mạnh, theo đánh giá của VEPR, tăng trưởng 2014 của VN năm nay chỉ khoảng 4,15%. Nếu căng thẳng với Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng GDP năm nay của VN cũng chỉ ở mức 4,88%. VEPR cũng dự báo lạm phát 2014 sẽ chỉ khoảng 5,5% và có thể còn thấp hơn.

Báo cáo của VEPR năm nay chính thức đưa cảnh báo về “bẫy tự do hóa thương mại”. Ngay Hiệp định xuyên Thái bình dương (TPP) VN đang đàm phán, dù có thể VN sẽ nhận được nhiều lợi ích, nhưng báo cáo của VEPR cảnh báo việc VN phải mở cửa thị trường nông sản sẽ có thể tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi và nỗ lực đa dạng hóa cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

VN cần thoát dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc

Đề cập đến tình hình nóng bỏng tại biển Đông gần đây, báo cáo của VEPR do ông Nguyễn Đức Thành trình bày cho rằng căng thẳng trên biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế VN. Thậm chí tăng trưởng năm 2014, VEPR dự báo sẽ từ 4,15-4,88% một phần cũng từ những ảnh hưởng từ căng thẳng biển Đông khiến phát sinh lo ngại, giảm đầu tư. “Phải nghĩ cách ứng xử trong ngắn, trung, dài hạn” - ông Thành nói.

Trả lời báo chí về khả năng giảm phụ thuộc của nền kinh tế VN vào Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Thành cho biết VN cần và hoàn toàn có thể làm điều này. HIện nay, VN nhập nhiều sản phẩm như máy móc thiết bị, thậm chí nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Lý do là giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, đã đến lúc tính toán đa dạng hóa nguồn cung cấp, giá có thể đắt hơn, nhưng theo ông Thành, doanh nghiệp cần tính xa, và có thể sẽ phải chấp nhận việc quay vòng vốn có thể chậm hơn. “Cần xác định các đối tác kinh tế chiến lược như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc” - ông Thành nói.

Đề xuất chính sách, VEPR cho rằng sau sự kiện căng thẳng ở biển Đông, VN cần tính toán điều chỉnh tỉ giá để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa VN. Ngoài ra, cần duy trì tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Đặc biệt, VEPR đề nghị cần có một lộ trình tinh giảm biên chế từ cấp xã đến trung ương nhằm giảm chi tiêu của bộ máy. Việc tái cơ cấu cần tập trung, tránh phân tán làm mất cơ hội… “Cùng với những tranh chấp hiện nay với Trung Quốc, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc là rất lớn và ngày càng rõ hơn” - ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên