Theo Tổ chức Y tế thế giới, ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 4.000 ca mắc mới và có gần 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư phổ biến ở nữ
Theo bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ung thư cổ tử cung đang là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu.
"Trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 14 phụ nữ mắc bệnh và 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú", bà Hồng thông tin.
Bà Hồng cũng nhận định tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và sàng lọc ung thư cổ tử cung còn thấp là nguyên nhân dẫn đến phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung vẫn tiếp tục gia tăng.
Từng bước loại bỏ ung thư cổ tử cung
Bà Naomi Kitahara - trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam - cho hay các chuyên gia đã khuyến cáo nhiễm vi rút gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung và một số bệnh khác như ung thư hậu môn, bộ phận sinh dục và ung thư hầu miệng.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, hiện đã có vắc xin phòng ngừa vi rút HPV - nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới nhằm thanh toán ung thư cổ tử cung vào năm 2030 kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện tiêm vắc xin ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi.
"Cần đảm bảo 70% phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung và hướng đến mục tiêu đảm bảo 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư có thể tiếp cận các phương pháp điều trị", trưởng đại diện UNFPA nói.
Bà Hồng cũng nhận định để giảm thiểu ca mắc ung thư cổ tử cung mới thì tiêm vắc xin ngừa HPV và sàng lọc là hai giải pháp.
Nghiên cứu của UNFPA cũng cho thấy Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị ung thư cổ tử cung được điều trị đầy đủ.
Nếu kết hợp tiêm chủng HPV với sàng lọc và điều trị thì Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung chỉ trong vòng 29 năm, sớm hơn nếu chỉ thúc đẩy tiêm chủng HPV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận