Bà Elisa Fernandez Saenz mặc áo dài Việt Nam - Ảnh: NVCC
Bà Elisa nói:
- Tại Việt Nam, Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 hằng năm là ngày tôn vinh sự đóng góp của phụ nữ cho sự phát triển của đất nước. Đó là ngày mà nhiều nam giới Việt Nam sẽ mua những bó hoa đẹp và những món quà nhỏ để tặng hoặc làm việc nhà cho phụ nữ. Nhưng Ngày quốc tế phụ nữ còn có ý nghĩa hơn thế. Ý nghĩa thực sự của ngày này chính là ngày mà toàn thế giới công nhận quyền của phụ nữ, rà soát lại tiến trình và thúc đẩy các nỗ lực để đạt được bình đẳng giới.
Chúng ta cần loại bỏ những định kiến, quan niệm phân biệt đối xử đã ăn sâu trong nền văn hóa và xã hội, và chúng ta cần các sáng kiến và cam kết về nguồn lực để làm được điều đó.
Bà Elisa Fernandez Saenz
* Nhìn lại sự phát triển về tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam trong năm qua, bà sẽ chúc mừng cho những thành tựu nào?
- Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, sức khỏe bà mẹ và tăng cường khung pháp lý và thể chế về bình đẳng giới.
Bộ luật lao động sửa đổi đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 11 năm ngoái đã bổ sung một số điều khoản nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ.
Theo tôi, có 5 thay đổi đáng kể. Một là thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (từ 5 năm còn 2 năm). Hai là xóa bỏ lệnh cấm phụ nữ tham gia một số loại công việc. Ba là hỗ trợ người lao động (cả nam lẫn nữ) trong việc chăm sóc con cái thông qua việc yêu cầu Nhà nước và người sử dụng lao động lập kế hoạch và xây dựng thêm nhà trẻ và các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Bốn là đảm bảo quyền bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dưỡng trẻ em bằng cách cho phép lao động nam có quyền được nghỉ phép khi vợ sinh con. Cuối cùng, Việt Nam đã định nghĩa rõ ràng hơn về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
* Trên thực tế, phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản. Bà có suy nghĩ thế nào về việc này? Và bà có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể thúc đẩy bình đẳng giới hơn nữa?
- Bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một sự bất công nghiêm trọng trên toàn cầu. Ngày nay, không một quốc gia nào có thể tuyên bố đã đạt được bình đẳng giới.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng quan tâm, như lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội nhưng vẫn có tới 72,7% đại biểu Quốc hội là nam giới.
Vẫn tồn tại khoảng cách (13%) về tiền lương giữa nam giới và nữ giới, và lao động nữ chủ yếu vẫn làm các công việc được trả lương thấp trong khu vực phi chính thức, nằm ngoài phạm vi của Bộ luật lao động và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội.
Trong khi đó, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm tỉ lệ cao và vẫn tồn tại tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (112 bé trai/100 bé gái). Kế đến, số lượng phụ nữ đảm nhận những công việc chăm sóc và việc nhà nhiều gấp ba lần so với nam giới, và phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều thách thức và bất bình đẳng giới so với dân tộc Kinh.
Tất cả những điều này cho chúng ta thấy sự phân biệt về giới tính và việc đề cao nam giới đã khiến vấn đề phân biệt đối xử đối với phụ nữ vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Việt Nam đang đối mặt với những thử thách rất lớn nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua những thử thách này. Chúng ta có thể cải thiện các điều kiện của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội của chúng ta.
* Cơ quan của bà sẽ tập trung vào những vấn đề nào trong năm nay?
- UN Women sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách: tăng cường sức mạnh kinh tế của phụ nữ; tăng cường tiếng nói và năng lực của phụ nữ trong các hoạt động khí hậu; chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cải thiện việc tiếp cận công lý của phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới là một phần quan trọng của quá trình xây dựng khung pháp lý, chính sách và kế hoạch quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận