28/11/2018 12:12 GMT+7

Việt Nam chưa cho phép chỉnh sửa gen trên người

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ gen, liệu pháp gen vào điều trị các bệnh lý cụ thể hoặc chỉnh sửa gen theo ý muốn trên người chưa được cho phép.

Việt Nam chưa cho phép chỉnh sửa gen trên người - Ảnh 1.

Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê

Theo ông Hoàng Hoa Sơn (Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế), nghiên cứu y sinh học luôn có hai mặt lợi - hại và rất cần giám sát chặt chẽ về năng lực của cơ sở nghiên cứu, trên đề tài và phạm vi nghiên cứu cụ thể, đồng thời nên áp dụng trước trên tế bào hoặc trên động vật để đảm bảo an toàn.

PGS Trần Huy Thịnh (Trung tâm nghiên cứu gen và protein, ĐH Y Hà Nội) cho hay nhiều nghiên cứu về gen ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn tiến hành trên tế bào ở ngoài cơ thể. "Nếu đưa vào cơ thể còn nhiều yếu tố, bởi cơ thể còn cơ chế điều hòa. Hiện nay các nghiên cứu cũng chưa kiểm soát hết tác động của gen, lo ngại có thể chỉnh sửa được gen bệnh này nhưng lại gây tổn hại ở gen khác, đó là nguy cơ chưa kiểm soát được" - PGS Thịnh nói.

Song ông Thịnh cũng cho rằng khoa học công nghệ trên thế giới đang phát triển rất nhanh chóng và có thể thay đổi không thể lường hết chỉ sau vài năm. Hiện việc điều trị bệnh đang được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh những "điều đã rồi, đã có", nhưng chưa điều chỉnh được những tổn thương trong gen.

Ngày 25-11-2018, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tự nhận đã tạo ra hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới nhờ kỹ thuật CRISPR.

"Hai bé gái xinh đẹp người Trung Quốc, Lộ Lộ và Na Na, đã cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh như bất cứ em bé nào cách đây vài tuần. Hai bé hiện đang ở nhà với mẹ Grace và cha Mark" - ông Hạ thông tin trong đoạn video đăng trên Youtube ngày 25-11.

Công trình này xoay quanh việc vô hiệu hóa một gen gọi là CCR5 trong bào thai vốn được virus HIV dùng để xâm nhập tế bào người. Trong 7 cặp đôi tham gia thử nghiệm lâm sàng, tất cả đàn ông đều dương tính với HIV.

Trên lý thuyết, bằng cách "tắt" gen CCR5, họ có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở các em bé.

Ủy ban chuyên gia đạo đức y khoa của thành phố Thâm Quyến cho biết họ đã tiến hành điều tra về nghiên cứu của ông Hạ và nhận thấy tổ chức phê chuẩn cho nghiên cứu của ông Hạ đã không tuân thủ các yêu cầu báo cáo cụ thể.

Ông Chen Shiyi, chủ tịch đại học SUST nơi ông Hạ làm việc, đã triệu tập cuộc họp khẩn với các nhà nghiên cứu có liên quan tới dự án chỉnh sửa gen cho phôi thai.

"Việc này không liên quan gì tới SUST, nghiên cứu đó đã không được thực hiện tại SUST", ông Chen Shiyi trả lời truyền thông Trung Quốc. Theo thông cáo của khoa sinh học của SUST, nghiên cứu của ông Hạ đã "vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức và học thuật cùng các quy định".

Hiện tại có một điều vẫn chưa rõ là không biết ông Hạ tiến hành nghiên cứu tại đâu và ai đã trả tiền cho nghiên cứu đó.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên