16/09/2020 11:35 GMT+7

Việt Nam chủ trì họp Cục trưởng tác chiến ASEAN

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Nguy cơ xảy ra va chạm trên Biển Đông ngày càng cao do có những hành động quân sự ở khu vực này bất chấp luật pháp quốc tế. Là láng giềng của nhau nên bất cứ tình huống nào cũng nên kiềm chế, hạn chế dùng vũ lực...

Việt Nam chủ trì họp Cục trưởng tác chiến ASEAN - Ảnh 1.

Chủ tịch AMOM-10, trung tướng Thái Đại Ngọc (giữa), cục trưởng Cục tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ trì hội nghị sáng 16-9 - Ảnh: Đ.BÌNH (chụp qua màn hình)

Trung tướng Thái Đại Ngọc, cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), đã đề nghị như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Cục trưởng tác chiến quân đội các nước ASEAN lần thứ 10 (AMOM-10) sáng 16-9.

Với vai trò là Chủ tịch AMOM-10, trung tướng Thái Đại Ngọc đã chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, với sự tham dự của các tướng lĩnh quân đội Việt Nam cùng các tùy viên quân sự của đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội.

Theo trung tướng Thái Đại Ngọc, tình hình khu vực và thế giới đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó là những thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên rất phức tạp như cướp biển, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Đặc biệt, ông đề nghị các đại biểu dự hội nghị "cần lưu tâm" đến tình hình an ninh trong khu vực và thế giới, nhất là tình hình về Biển Đông, "nguy cơ xảy ra va chạm trên Biển Đông ngày càng cao, do có những hành động quân sự trong khu vực bất chấp luật pháp quốc tế".

Ông cho rằng các nước cần tránh va chạm bất ngờ trên biển và trên không. Nên tăng cường hoạt động diễn tập, đối thoại để hiểu biết lẫn nhau. "Là láng giềng của nhau nên bất cứ tình huống nào cũng nên kiềm chế, hạn chế dùng vũ lực", trung tướng Ngọc nhấn mạnh.

Cũng theo trung tướng, 10 năm trước đây,khi Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 (ACDFIM-7), các nước đã thống nhất tổ chức thêm Hội nghị Cục trưởng Tác chiến quân đội các nước ASEAN (AMOM), nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác thực chất giữa quân đội các nước ASEAN để ứng phó với các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đang tác động bất lợi, đe dọa tới hòa bình và ổn định ở khu vực.

Vì vậy, với chủ đề AMOM-10 là "hợp tác quân sự vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", Chủ tịch AMOM-10 đề nghị các nước trao đổi, chia sẻ để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tác chiến quân đội các nước ASEAN; thảo luận về kế hoạch hoạt động giai đoạn 2020-2022; bàn giao chức chủ tịch AMOM-11 (năm 2021) cho Brunei.

Tại hội nghị, các trưởng đoàn khẳng định đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động hợp tác trên thực địa giữa quân đội các nước ASEAN. Tuy nhiên, khó khăn thách thức cũng là dịp chứng tỏ sự tự cường, gắn kết và thích ứng của ASEAN, trong đó có lực lượng quân đội.

Các trưởng đoàn nhất trí rằng thời gian qua đã đánh dấu sự phát triển tích cực trong sự hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN, thể hiện qua việc tổ chức thành công các cuộc diễn tập trong khuôn khổ nhóm chuyên gia; giao lưu sĩ quan trẻ; giải bắn súng quân dụng các nước ASEAN...

Khẳng định sự hợp tác giữa các cơ quan tác chiến các nước ASEAN có ý nghĩa quan trọng nên các trưởng đoàn cho rằng tới đây, cơ quan tác chiến quân đội các nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, thảo luận cách thức, biện pháp nhằm tăng cường trao đổi phối hợp trong công tác lập kế hoạch để tạo ra sự chủ động cho quân đội mỗi nước, qua đó nâng cao sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa cơ quan tác chiến quân đội các nước ASEAN.

Tất cả các nội dung AMOM-10 sẽ được trình lên Hội nghị tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17 sẽ được tổ chức cuối tháng 9-2020 tại Hà Nội) thông qua.

Việt Nam cảm ơn Đức ủng hộ thúc đẩy EVFTA, nhấn mạnh UNCLOS 1982 ở Biển Đông Việt Nam cảm ơn Đức ủng hộ thúc đẩy EVFTA, nhấn mạnh UNCLOS 1982 ở Biển Đông

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 15-9 cảm ơn Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc thúc đẩy Hiệp định thương mại EVFTA. Hai bên nhất trí việc thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển UNCLOS 1982, trong các tranh chấp.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên