10/12/2024 08:45 GMT+7

Việt Nam cần nỗ lực liên tục xây dựng thương hiệu gạo

Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thời gian qua thế nào qua góc nhìn của chuyên gia Nhật Bản? Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với TS Kunihiko Hirabayashi - tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản.

Việt Nam cần nỗ lực liên tục xây dựng thương hiệu gạo - Ảnh 1.

Ông Kunihiko Hirabayashi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Kunihiko Hirabayashi cho biết việc xây dựng thương hiệu gạo và nông sản ở Việt Nam, vai trò của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) là kết nối các chuyên gia và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng thương hiệu. 

Lần này, AJC đã phối hợp cùng với báo Tuổi Trẻ mời các diễn giả giàu kinh nghiệm từ Nhật Bản và các quốc gia ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có tiến bộ, nhưng cần nỗ lực liên tục

* Thưa ông, AJC là một tổ chức quốc tế có rất nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu cho nông sản. AJC đánh giá thế nào về quá trình xây dựng thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu lúa gạo của Việt Nam trong thời gian qua?

- Về việc phát triển thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu gạo, AJC đánh giá quá trình này qua một số lĩnh vực chính.

Cụ thể, về xây dựng nhận diện thương hiệu, cả ở Việt Nam và Nhật Bản, việc xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và rõ ràng cho các sản phẩm nông sản là rất quan trọng. Chẳng hạn, gạo "Koshihikari" của Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu nhờ chất lượng vượt trội và câu chuyện độc đáo. 

Tương tự, giống gạo ST25 của Việt Nam có tiềm năng trở thành sản phẩm cao cấp với những đặc tính nổi bật như hương vị và phương pháp canh tác đặc trưng.

Thương hiệu gạo Nhật Bản đã thành công nhờ sự hiểu biết sâu sắc về sở thích của người tiêu dùng, xu hướng nội địa và cách thức sản phẩm tham gia vào thị trường quốc tế. 

Tại Việt Nam, việc hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng và xác định các thị trường trọng điểm trong ASEAN, Nhật Bản và các khu vực khác sẽ giúp tạo ra các chiến lược thương hiệu hiệu quả hơn. Việc áp dụng các chiến lược thành công từ Nhật Bản có thể giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa cách tiếp cận của mình.

Về bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc, tại Nhật Bản, việc chú trọng đến tính bền vững và truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản, khi người tiêu dùng ngày càng yêu cầu các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bảo vệ môi trường. 

Việt Nam đã có những bước tiến trong việc này như chứng nhận sản phẩm và thực hành hữu cơ, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để tích hợp những yếu tố này vào chiến lược xây dựng thương hiệu.

Do vậy, mặc dù đã có những tiến bộ, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam vẫn cần có những nỗ lực liên tục, đặc biệt là trong việc phân biệt thương hiệu, nâng cao nhận thức về thương hiệu và áp dụng các thực hành bền vững để đảm bảo sự thành công lâu dài.

* Theo ông, Việt Nam nên tiến hành xây dựng thương hiệu nông sản nói chung và lúa gạo như thế nào?

- Để việc phát triển thương hiệu nông sản và gạo, Việt Nam có thể tập trung vào một số chiến lược sau:

Một là xây dựng thương hiệu mạnh cho các vùng miền. Tại Nhật Bản, các thương hiệu gạo vùng như "Tsuyahime" từ Yamagata là ví dụ điển hình về việc xây dựng các thương hiệu địa phương mạnh. 

Các thương hiệu này nhấn mạnh những đặc điểm độc đáo của gạo từ các khu vực cụ thể. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này, tập trung vào các giống gạo vùng và tận dụng lợi thế địa phương để nổi bật trên thị trường quốc tế.

Hai là thương hiệu dựa trên chất lượng. Ngành gạo Nhật Bản đã xây dựng được danh tiếng về chất lượng cao, với các giống gạo cao cấp được bán với giá cao. 

Tương tự, Việt Nam nên định vị sản phẩm gạo của mình như một sản phẩm cao cấp, chất lượng cao bằng cách tập trung vào tiêu chuẩn chất lượng, sự nhất quán và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ. 

Việc tạo dựng một câu chuyện nhất quán về chất lượng gạo, bao gồm nguồn gốc và phương pháp canh tác, sẽ giúp xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Việt Nam cần nỗ lực liên tục xây dựng thương hiệu gạo - Ảnh 2.

Rất nhiều thương hiệu gạo chất lượng cao được bày bán trên kệ của một siêu thị ở thành phố Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ba là ứng dụng công nghệ. Nhật Bản đã ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số và kể chuyện để mở rộng tầm ảnh hưởng của các sản phẩm nông sản. Việt Nam có thể học hỏi từ điều này. 

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để kể câu chuyện về gạo Việt Nam, từ quy trình sản xuất đến giá trị văn hóa sẽ tạo dựng mối liên kết cảm xúc với người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế. 

Các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sẽ là công cụ mạnh mẽ để mở rộng thị trường.

AJC cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên của mình, bao gồm Việt Nam, trong các sáng kiến xây dựng thương hiệu. 

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển thương hiệu nông sản và gạo thông qua các hội thảo, chương trình đào tạo, và kết nối các bên liên quan của Việt Nam với các chuyên gia Nhật Bản và ASEAN trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu và marketing. 

Mục tiêu của chúng tôi là giúp Việt Nam tăng cường các thương hiệu nông sản và nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

AJC hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo

* Trong năm 2024 và trong thời gian tới, AJC đã và sẽ có những hỗ trợ nào trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, thưa ông?

- Trong năm 2024, AJC đã tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam thông qua một số sáng kiến quan trọng. 

Thứ nhất là chương trình nâng cao năng lực, AJC đã tổ chức các buổi tập huấn tập trung vào việc xây dựng năng lực xuất khẩu cho nông sản, đặc biệt là về bao bì bền vững vào tháng 3 và chương trình về thương hiệu, marketing sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-12-2024, cùng các hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo.

Các chương trình này nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar cùng học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Chúng tôi tập trung vào việc đào tạo về nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và kể chuyện thương hiệu, giúp các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng có sức hấp dẫn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việt Nam cần nỗ lực liên tục xây dựng thương hiệu gạo - Ảnh 3.

Vùng sản xuất lúa tiếp giáp giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thứ hai là hỗ trợ đầu tư và thương mại, AJC đã hỗ trợ các cuộc thảo luận và sự kiện kết nối giữa các công ty Nhật Bản và các đối tác Việt Nam, bao gồm cả chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Mục tiêu của các hoạt động này là tạo ra cơ hội đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ xanh, sản xuất nông nghiệp bền vững.

Kết quả của những sáng kiến này bao gồm việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam về tầm quan trọng của việc xây dựng kỹ năng về thương hiệu và kể chuyện thương hiệu để gia tăng giá trị sản phẩm. 

Các chương trình cũng đã giúp củng cố mối quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, với hàng trăm hợp đồng và hàng triệu USD giá trị trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao khả năng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

* Thưa ông, báo Tuổi Trẻ cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện chuỗi sự kiện truyền thông, hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" nhằm tìm ra lời giải tốt nhất cho thương hiệu gạo Việt Nam, AJC có đồng hành cùng báo thực hiện chương trình này, giúp gạo Việt vươn xa?

- AJC rất sẵn lòng hợp tác với báo Tuổi Trẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác khác để hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. 

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong những sáng kiến như vậy và tin rằng sự hợp tác giữa các bên liên quan chính là yếu tố quan trọng để đạt được thành công.

Thông qua chương trình này, AJC có thể đóng góp chuyên môn của mình về xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường và kết nối với các thị trường Nhật Bản và quốc tế. 

Cuối cùng, sự tham gia của chúng tôi sẽ giúp nâng cao giá trị của thương hiệu gạo Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh và đóng góp vào thành công lâu dài của ngành gạo.

AJC là một tổ chức liên chính phủ được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản.

Các hoạt động của Trung tâm không chỉ tập trung vào việc kết nối các doanh nghiệp và Chính phủ mà còn nhấn mạnh việc thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản thông qua các hoạt động quảng bá và nghiên cứu.

Trong suốt quá trình hoạt động, AJC đã triển khai nhiều chương trình và sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản.

Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thiết yếu, cung cấp dịch vụ tư vấn và tổ chức các hoạt động như hội thảo, khóa đào tạo và triển lãm. Những nỗ lực này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) trong ASEAN bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, AJC còn thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và khuyến khích sự hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghệ, du lịch và phát triển bền vững.

Hơn nữa, AJC tập trung vào các sáng kiến xây dựng năng lực giúp các MSMEs cải thiện thương hiệu, tiếp thị số và khả năng đổi mới sáng tạo, từ đó cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế.

Việt Nam cần nỗ lực liên tục xây dựng thương hiệu gạo - Ảnh 4.Hội thảo 'Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt'

Lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" nhằm bàn giải pháp, hiến kế về xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên