Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu như vậy trong phiên chính Đối thoại chính sách của Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản ngày 5-9 tại Hà Nội.
Phóng to |
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (người thứ ba từ phải qua) và Đại sứ Nhật Bản Tanizaki Yasuaki (người thứ hai từ phải qua) cùng các khách mời tại Phiên thảo luận chính của Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: Lê Thanh |
Một trong những điều mà Bộ trưởng Vinh thẳng thắn trao đổi là hiện nay, tuy Việt Nam có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng trên thực tế, VN không phải là điểm đến duy nhất mà bên cạnh đó còn Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia...
Một ví dụ điển hình là ngành công nghiệp ô tô tuy có chiến lược tham vọng nhưng chính sách lại đi ngược lại mục tiêu nên đã “kìm hãm và tiêu diệt” ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam. “Mục tiêu một đằng, chính sách một nẻo” - Bộ trưởng nhận xét về số phận của ngành ô tô.
Đồng thời, ông cũng không quên “nhắc nhở” phía Nhật Bản về mối quan tâm làm sao để có sự chuyển giao công nghệ Nhật Bản cho Việt Nam. “Hiện nay mới chỉ có 5% đầu tư vào Việt Nam là có chuyển giao công nghệ. Quá thấp! Phải có cơ chế để các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển giao và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận".
Đừng chỉ nghe ý kiến của Nhật Bản!
Tiến sĩ Daisuke Hiratsuka - Phó Chủ tịch thường trực Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) lại có một lời khuyên khác dành cho Việt Nam: “Ngoài việc nghe ý kiến các doanh nghiệp Nhật Bản thì các bạn nên xem xét chính sách các nước xung quanh để có chính sách vượt trội, phát huy được thế mạnh của mình để thu hút vốn đầu tư".
Một trong những bài học mà ông Hiratsuka nêu ra là Thái Lan cũng rơi vào trường hợp ngành công nghiệp ô tô. Ông cho biết Thái Lan đã nới lỏng quy chế và tăng ưu đãi thuế với đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và đặc biệt cho ngành này nói riêng. Nhờ đó, các doanh nghiệp đầu tư vào dòng xe thân thiện môi trường được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm, còn đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ như phụ tùng, linh kiện... được miễn ít nhất 7 năm.
“FDI của Nhật Bản tập trung nhiều ở Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tuy thừa lao động nhưng giá nhân công đang tăng; còn ở Thái Lan lại thiếu lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa thị trường đầu tư. Đó là lý do họ đang tìm kiếm thêm thị trường đầu tư mới và có xu hướng dịch chuyển đầu tư. Trong quá trình đó, họ tìm kiếm quốc gia có chính sách đầu tư tốt và thường xem xét chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp" - ông Hiratsuka nói.
Theo ông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là hai vấn đề quan trọng với phát triển kinh tế của VN; đồng thời do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên sức hấp dẫn bị hạn chế đi nhiều.
Doanh nghiệp Nhật còn thiếu lòng tin ở Việt Nam
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cũng khẳng định làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam là có thật, nhưng Việt Nam cần tận dụng để biến cơ hội này thành thực tế. “Kinh tế mỗi một tỉnh của Nhật Bản đều có quy mô bằng vài lần nền kinh tế Việt Nam. Mỗi địa phương đều có sự quan tâm mạnh mẽ từ cả chính quyền lẫn doanh nghiệp đối với Việt Nam. Nhưng Việt Nam cần tạo điều kiện để doanh nghiệp Nhật Bản thành công và ngược lại, doanh nghiệp Nhật Bản cần cho biết rõ mình cần gì, muốn đầu tư ở đâu và với điều kiện nào".
Theo ông Sato Motonobu - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cuộc chạy đua thu hút FDI Nhật. Đó là thiện cảm của người Nhật với Việt Nam và ông đánh giá đây là điều đến trước cả khi nói về đầu tư, kinh doanh. Người Nhật cũng cảm thấy yên tâm ở một đất nước mà chính trị-an ninh ổn định và có nhiều tương đồng về văn hóa, tôn giáo như Việt Nam.
Thứ hai, kỳ vọng về quy mô kinh tế và thị trường Việt Nam cũng là sức hút lớn. Nhưng nhược điểm của Việt Nam, theo ông Motonobu, là thiếu nguồn nhân lực quản lý, nguồn điện không ổn định, thiếu cơ chế chính sách, chính sách hay thay đổi và doanh nghiệp Nhật còn thiếu lòng tin bởi những khó khăn đi xin chứng nhận, ưu đãi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận