TTCT - So với các năm trước, Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 hôm 5-12 với sự chủ trì của Ngân hàng Thế giới (WB) có vẻ “đậm đặc” băn khoăn hơn. Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng rộng ra. Bà Kwakwa, giám đốc WB có sáu năm làm việc ở Việt Nam, mở đầu diễn đàn bằng một nhận định ngắn gọn song đầy đủ và rõ rệt: sự phát triển của Việt Nam trong thời gian năm năm sắp tới và sau đó sẽ diễn ra “trong làn sóng hội nhập thương mại chưa từng có đối với Việt Nam”. Để tồn tại, Việt Nam phải sống còn được trong cục diện cạnh tranh mở ra bởi các hiệp định song phương đã ký kết và cả lô hiệp định thương mại đa phương: từ cạnh tranh thương mại với ASEAN đến với các nước xuyên Thái Bình Dương, đến hiệp định thương mại EU - Việt Nam mới ký tuần rồi. Trong bối cảnh gỡ bỏ hàng rào thuế quan đó, hàng hóa và dịch vụ của nước nào, hãng nào tốt hơn về chất lượng/giá cả sẽ thắng. Một vòng xoáy cạnh tranh đa diện và không ngừng với 10 nước ASEAN và 12 nước TPP kéo dài xuống tận Úc, New Zealand và vươn tới tận bờ đông Thái Bình Dương qua Nhật Bản, Canada, Chile, Mexico và Peru. “Đổi mới lần hai” để tồn tại Theo bà Kwakwa, trong năm năm qua, “việc Việt Nam đã tập trung vào các thể chế thị trường hiện đại đã khẳng định sự cần thiết phải tiến hành một đợt đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam”. Nhận xét này giải thích tại sao mấy năm qua hay nghe lặp đi lặp lại các hô hào “tái cấu trúc nền kinh tế”, “tái cấu trúc doanh nghiêp”, “tái cấu trúc ngân hàng”, nhưng vẫn chưa thấy gì nhiều ngoại trừ việc tái cấu trúc ngân hàng. Thế rồi, bất ngờ có tin Nhà nước sẽ thoái vốn một số doanh nghiệp lớn hàng đầu, bắt đầu là Vinamilk dù đã có những ý kiến băn khoăn “đừng bán rồi xài hết” ngay ở diễn đàn Quốc hội. Nay, nắm được toàn cục yêu cầu đổi mới lần hai sẽ hiểu ra rằng đã thật sự tới lúc tái cấu trúc cả nền kinh tế. Thành ra, việc bán các tập đoàn nhà nước đó không chỉ do kẹt ngân sách như có ý kiến quan ngại, mà là để, vẫn theo bà Kwakwa, tạo ra một khuôn khổ “một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản”. Cuộc đổi mới lần thứ hai này đã bắt đầu một cách quyết liệt nhằm hình thành một khu vực kinh tế tư nhân thế chỗ các doanh nghiệp nhà nước. Từ đó mới có thể nghĩ đến việc sớm hóa giải một vấn nạn then chốt cho sự tồn tại trong cuộc cạnh tranh đang tới là thách thức về năng suất lao động... Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Cải cách hành chính thực chất Để điều phối cuộc đổi mới lần hai này có thể sẽ cần đến một cơ quan có đủ thực lực. WB đưa ra một gợi ý: “thành lập một cơ quan trung ương về cải cách với nhiệm vụ phối hợp chương trình cải cách.... theo dõi thực hiện chương trình cải cách nhằm đảm bảo công tác được điều phối và nhất quán tại cấp trung ương và giữa trung ương với địa phương”. “Siêu” cơ quan này có ra đời hay không có lẽ chỉ là vấn đề thời gian giống như quyết định thoái vốn nhằm thực thi yêu cầu “tái cấu trúc”, nhưng yêu cầu cải cách hành chính, quản lý nhà nước rất bức thiết. Điểm mấu chốt là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Trong thực tế, yêu cầu cải cách bộ máy hành chính không có gì mới. Cả một thập niên trước, cuộc cải cách hành chính đã được triển khai trong hệ thống các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương. Song quá trình cải cách hành chính công kéo dài đó đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả rõ nét. Vậy cần làm gì để cải cách hành chính một cách thực chất? Theo bà Kwakwa là “tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ” và “cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất”. Có thể thấy tính tương tác giữa hai vế trên: (1) Nhà nước chỉ có thể tăng cường được năng lực của mình khi chịu trách nhiệm giải trình hơn nữa với người dân (2) bằng cách để cho người dân phản hồi như ý muốn. Một nối tiếp cho quyền phản hồi của người dân là quyền lập hội. Yêu cầu này cũng đã được đặt ra trong việc tham gia TPP. Còn rất nhiều góp ý từ phía các nhà tài trợ (là các quốc gia và các tổ chức phát triển) với lời nói thẳng về việc “vẫn còn nhiều người nghèo” và “vấn đề phúc lợi cho nhóm người thiểu số đạt tiến bộ không đáng kể”. Những chương trình quốc gia như Chương trình nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững “nếu được thiết kế đúng đắn, cho phép phân quyền xuống đến xã và áp dụng cách tiếp cận nhất quán giữa các chương trình thì sẽ tạo chuyển biến lớn”. Thế nào là “nếu được thiết kế đúng đắn”? Một phóng sự của VTV1 hôm 7-12 về món nợ hơn 200 tỉ đồng mà một huyện ở Bạc Liêu đã gặp phải do “phóng tay” xây dựng đường giao thông, khiến nay phải rút kinh nghiệm bổ sung tiêu chí “không vướng nợ” vào điều kiện xét duyệt “nông thôn mới”, đó là một ví dụ cho thấy thiếu sót trong việc “thiết kế đúng đắn” này. Và trên tất cả là băn khoăn tài chính công. Chính các nhà tài trợ cũng đặt câu hỏi rằng cuối cùng Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong năm năm tới? Hiện nay khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỉ lệ thu trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong năm năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Cho nên, điều cốt lõi vẫn là tiết kiệm chi tiêu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Người dân vốn đã “chủ động băn khoăn” nhiều về chuyện chi tiêu, công nợ, đang nóng ruột muốn chứng kiến trong thực tế “tiết kiệm chi tiêu” là như thế nào.■ Tags: Tương lai Việt NamNgân hàng thế giới khuyến cáoDiễn đàn đối tác phát triển
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Hà Nội dừng trình diễn drone mang theo pháo hỏa thuật trong đêm giao thừa PHẠM TUẤN 28/01/2025 Phần trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" bị dừng để đảm bảo sự thành công của chương trình.