"Việt Nam luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024.
Nêu cao tinh thần đoàn kết, tự chủ
"Sau gần sáu thập niên hình thành và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhận định.
Trong bối cảnh thế giới đứng trước những bước ngoặt lớn, với xu hướng cạnh tranh, phân tách ngày càng gay gắt và sự bùng nổ của các công nghệ mới, theo ông, việc bàn về tương lai và hoạch định cho tương lai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tiếp đó, Thủ tướng nêu nhiều đề xuất để ASEAN hiện thực hóa khát vọng xây dựng một cộng đồng phát triển năng động, gắn kết và tự cường vào năm 2045. Trong đó, điều đầu tiên ông nhắc đến là phải tăng cường đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN.
"Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay - Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa cùng các quốc gia, các đối tác và bạn bè quốc tế, nhất là các nước ASEAN chung tay viết tiếp những câu chuyện thành công, mở ra tương lai thống nhất trong đa dạng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, lấy con người là trung tâm, chủ thể cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sau bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là những thảo luận sôi nổi, những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng tại diễn đàn.
Tiếp cận câu hỏi tương lai cho ASEAN từ chính lịch sử của tổ chức này, ông Kishore Mahbubani thuộc Viện Nghiên cứu châu Á (Đại học Quốc gia Singapore) nhận xét ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu kể từ khi thành lập.
Nhưng điều lớn nhất mà khối này làm được chính là duy trì môi trường hòa bình và ổn định, bất chấp sự đa dạng cả về chính trị lẫn văn hóa và trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên.
Để ASEAN phát triển bền vững trong tương lai, theo ông, các nước cần trân trọng và giữ vững các giá trị, những thứ đã làm nên thương hiệu ASEAN trong đó có nguyên tắc đồng thuận và tham vấn để tiếp tục củng cố niềm tin chiến lược giữa các nước.
Nhiều diễn giả đồng tình với nhận định rằng việc củng cố hòa bình và an ninh để ASEAN tiếp tục phát triển đem lại lợi ích không chỉ cho người dân và các nước trong khu vực mà còn cho thế giới.
Táo bạo hơn, diễn giả Kavi Chongkittavorn từ Thái Lan còn đề xuất các nước tổ chức cơ chế ASEAN + 2, đưa khối này nắm vai trò trung gian cho Mỹ và Trung Quốc. "Chúng ta cần cho cả hai nước này thấy rằng một ASEAN hùng cường sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ", vị này nêu quan điểm.
Chuẩn bị cho tương lai số
Giữ vững vai trò trung tâm và củng cố hòa bình, đoàn kết tại khu vực được xem là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ASEAN trong tương lai. Và diễn đàn tại Hà Nội ngày 23-4 đã thành công khi trở thành nơi chia sẻ, thảo luận về các ý tưởng để tiếp tục làm được điều đó trong tương lai. Bên cạnh đó là những ý kiến về hướng đi sắp tới của ASEAN trong phát triển kinh tế và các việc cần làm.
Giáo sư Ian Goldin, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, khẳng định "tương lai của ASEAN cũng là tương lai của thế giới" khi nhiều xu thế phát triển mới trên toàn cầu đổ về Đông Nam Á, trong đó có kinh tế số.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới ước tính bước vào kỷ nguyên số, trong giai đoạn 2023 - 2027, số nghề trình độ thấp biến mất sẽ dao động từ 20 - 50%. Tuy nhiên, số việc làm mới được tạo ra sẽ tăng từ 25 - 50%, tập trung vào các ngành kỹ thuật số và công nghệ cao.
Trong đó năm lĩnh vực đứng đầu về tạo ra việc làm mới là các ngành chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, kế đến là phát triển bền vững, phân tích kinh doanh, bảo mật thông tin và công nghệ tài chính.
Để tận dụng xu hướng này, theo Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á Tetsuya Watanabe - cũng là một diễn giả tại diễn đàn, ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần tái đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, tạo ra hệ sinh thái kỹ năng dựa trên ba trụ cột gồm: giáo dục và đào tạo, thông tin về thị trường lao động và nghiên cứu về thị trường lao động, tạo ra khuôn khổ thống nhất cho các quốc gia ASEAN.
Ông gợi ý ASEAN cần chú trọng giáo dục kỹ năng số cho thế hệ tương lai, huy động vai trò khu vực tư nhân trong đào tạo ngắn hạn và tìm ra định hướng mới về đào tạo nghề.
Khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam
Với gần 500 đại biểu đến từ gần như tất cả các thành viên ASEAN và các nước đối tác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Diễn đàn Tương lai ASEAN ngày 23-4 là sự kiện đa phương lớn nhất mà Việt Nam tổ chức tính đến thời điểm hiện tại. Sự kiện cũng đã cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên thế giới.
"Việc Việt Nam xây dựng sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN là minh chứng cho vai trò của Việt Nam trong ASEAN, dẫn dắt ASEAN hướng tới tương lai", cựu ngoại trưởng Singapore George Yeo khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận