21/11/2013 12:00 GMT+7

Việt Nam - Ấn Độ nhất trí giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình

TTXVN
TTXVN

Chiều 20-11, tại thủ đô New Delhi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

YuycZyO8.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với thủ tướng Ấn Độ - Ảnh: Reuter

Thay mặt Chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh nhiệt liệt chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam sau khi hai nước cùng tổ chức thành công Năm hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Ấn Độ, đánh giá cao vị thế và vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác chiến lược với Ấn Độ.

Tổng bí thư cho rằng trong thời kỳ mới, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục là những người bạn tin cậy, gắn bó bởi tình cảm hữu nghị và sự chia sẻ các giá trị và lợi ích tương đồng; việc củng cố, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ là đòi hỏi khách quan của tình hình và phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Trong bầu không khí thân tình và hữu nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007.

Quan hệ chính trị được tăng cường, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, giữa các chính đảng của hai nước; quan hệ kinh tế, thương mại có bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 4 tỉ USD, 9 tháng đầu năm 2013 cũng đã đạt xấp xỉ 4 tỉ USD, Ấn Độ hiện đã có 74 dự án đầu tư vào Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh nhất trí các giải pháp cơ bản và cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên 5 lĩnh vực trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Theo đó, hai nhà lãnh đạo thống nhất quan điểm coi việc củng cố và tăng cường quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy là nền tảng rất quan trọng trong quan hệ hai nước; thống nhất tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có về ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực; đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, các ngành, các địa phương, giữa nhân dân và thanh thiếu niên hai nước.

Hai bên nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trên cơ sở đó, hai bên duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quân sự, mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành quân sự mà Ấn Độ có thế mạnh, mở rộng hợp tác về an ninh, chia sẻ thông tin về chống khủng bố, cướp biển và các tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm công nghệ cao.

Hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất để hợp tác về kinh tế, thương mại thực sự sẽ có bước phát triển mới tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên nỗ lực triển khai thực hiện thỏa thuận kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỉ USD vào năm 2015, đề ra mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2020; khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư vào nước kia, tập trung vào một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế.

Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn TATA sớm triển khai xây dựng dự án điện Long Phú 2, coi đây là hình mẫu hợp tác BOT trong giai đoạn hiện nay; mong muốn các cơ quan liên quan hai nước thúc đẩy sớm mở đường bay thẳng nhằm tạo điều kiện cho thương mại và du lịch phát triển; đẩy nhanh việc triển khai các khoản tín dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam với các điều kiện ưu đãi. Hai bên cũng nhất trí sẽ duy trì và mở rộng hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Tại cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và dân tộc gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi các nước và cộng đồng quốc tế phải đề cao trách nhiệm và nỗ lực để đảm bảo hòa bình, chủ quyền, an ninh cho tất cả các quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Hai bên nhất trí cần giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, bảo đảm an ninh, an toàn đường biển và tự do hàng hải.

Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Việt Nam bày tỏ ủng hộ Ấn Độ ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2015-2017. Tổng bí thư hoan nghênh chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, đánh giá cao việc Ấn Độ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ Ấn Độ tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo thông báo kết quả hội đàm, chứng kiến lễ ký kết 8 văn kiện hợp tác giữa hai nước: Hiệp định Vận chuyển hàng không, Bản ghi nhớ về việc thành lập Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử tại Hà Nội, Thỏa thuận về Bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật, Bản ghi nhớ hợp tác tài chính, Thỏa thuận giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng nghiên cứu và công nghiệp Ấn Độ, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quản lý Ấn Độ Banggalo, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petro Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (OVL) trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô ở Việt Nam và Ấn Độ cũng như ở các nước thứ ba, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Công ty Tata Power về việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1320MW tại Sóc Trăng, Việt Nam trị giá 1,8 tỉ USD.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên