Hình ảnh đó, ngay trong ngày đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm, một lần nữa nhắc nhiều người nhớ về sự "hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện" trong quan hệ Việt Nam - Lào
Việt Nam tặng Lào 20 xe điện VinFast, Chủ tịch nước Tô Lâm lái xe chở lãnh đạo Lào - Nguồn: VTV
Ưu tiên cao nhất
Trong cuộc hội đàm sau lễ đón trọng thể sáng 11-7, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng bí thư - Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai nước càng cần tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hỗ trợ nhau vượt qua thách thức, khó khăn cũng như cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định chính sách nhất quán của hai nước là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ Việt - Lào. Hai bên nhất trí nỗ lực nâng tầm hợp tác kinh tế tương xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị.
Trong đó có tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, phòng chống tham nhũng và nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, đường giao thông kết nối hai nước.
Việt Nam và Lào cũng sẽ không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, du lịch, năng lượng, nông nghiệp sạch, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân và giữa các địa phương.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cảm ơn Chủ tịch nước Tô Lâm đã mang đến Lào tình cảm hữu nghị chân thành, đoàn kết, gắn bó keo sơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em.
Ông khẳng định sẵn sàng phối hợp với Chủ tịch nước Tô Lâm phát huy mối quan hệ "có một không hai" trên thế giới ngày càng bền vững và hiệu quả.
Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định trên tinh thần đồng chí anh em, Việt Nam sẽ hết lòng ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò và các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch AIPA. Sau hội đàm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi bốn văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và một số thỏa thuận của doanh nghiệp hai nước.
Nâng tầm hợp tác kinh tế
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962, Việt Nam và Lào đã cùng vượt qua những khó khăn thách thức của chiến tranh và vươn lên phát triển trong giai đoạn sau.
Lào là một trong những nơi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất, với tổng số vốn gần 5,5 tỉ USD, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nước bạn.
Trong cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Sonexay Siphandone cùng ngày 11-7, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10 - 15% trong năm 2024.
Hai bên đánh giá cao việc nhiều dự án hợp tác tiêu biểu đã hoàn thành, được bàn giao và đi vào sử dụng như sân bay Nong Khang, Bệnh viện Hữu nghị tại Xiêng Khoảng, Học viện Chính trị Công an Lào.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy một số dự án trọng điểm khác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, kết nối cơ sở hạ tầng. Hai nước phấn đấu tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hợp tác đầu tư...
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone khẳng định sẽ tiếp tục cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết liệt triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Trả lời TTXVN, ông Viengsavanh Vilayphone, phó chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt, khẳng định sự hỗ trợ của Việt Nam trong kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác có ý nghĩa lớn với Chính phủ và nhân dân Lào. Việt Nam luôn giúp đỡ Lào, đặc biệt về giáo dục, kinh tế...
Đây đều là những đóng góp hết sức quan trọng và Lào luôn mở rộng cửa chào đón doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân có thế mạnh trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ và năng lực cạnh tranh...
Bàn về nâng tầm hợp tác kinh tế giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho rằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông - Tây và phát huy các mô hình hợp tác mới là hai trong nhiều biện pháp.
Chẳng hạn mô hình hợp tác Việt Nam - Lào +1 có thể giúp tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác.
Bên cạnh đó, hai nước có thể tranh thủ các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận