Đối với Lào, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra vào thời điểm nước này sắp khép lại năm cũ theo Phật lịch, đón chào năm mới bằng Tết Bun Pi May trong ít ngày nữa.
Có lẽ vì vậy mà trong tiệc chiêu đãi tối 10-4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã tổ chức lễ buộc chỉ ở cổ tay vị khách quý với hàm ý cầu chúc những điều tốt đẹp.
Cùng vươn lên phát triển kinh tế
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước.
Điều này cho thấy sự chủ động của hai bên trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, cùng phát triển bền vững.
Việt Nam đã chọn Lào chứ không phải quốc gia nào khác để ký kết hiệp định về đối tác số đầu tiên.
Hiệp định đạt được vào tháng 1 vừa qua nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác với Lào về phát triển công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số, hạ tầng số, thương mại và đầu tư số, đổi mới sáng tạo số, nghiên cứu và phát triển số, lòng tin số và an ninh mạng, hợp tác trên các diễn đàn số quốc tế.
Điều này cho thấy dù đang trong quá trình phát triển, Việt Nam vẫn quyết định chia sẻ những kinh nghiệm có được bước đầu để cùng tiến lên với nước bạn.
Việt Nam và Lào cũng đang phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn, các nhà đầu tư để triển khai các dự án trọng điểm như đường cao tốc Vientiane - Hà Nội, đường sắt Vientiane - Thakhek - Tân Ấp - Vũng Áng, nâng cấp quốc lộ số 8 đoạn phía Lào...
Sau khi hoàn thành, các công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân hai nước.
Trả lời Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Tô Minh Sơn (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận định Việt Nam và Lào đều cần huy động nguồn vốn lớn phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, hai nước vẫn có thể tương trợ lẫn nhau để cùng thu hút dòng tiền mà không lo có sự triệt tiêu hay xung khắc.
Ông Sơn cho biết Việt Nam có hai cách để giúp Lào mà vẫn không ảnh hưởng tới định hướng phát triển của nước mình. Thứ nhất là hỗ trợ Lào mở rộng nguồn vốn đầu tư từ các nước khác, chú trọng vào các nước phát triển. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam đã có nhiều thành công và kinh nghiệm tích lũy hàng chục năm qua.
Thứ hai, theo ông Sơn, Việt Nam nên tiếp tục củng cố vững chắc an ninh kinh tế và tập trung vào các dự án trọng điểm kết nối cơ sở hạ tầng các nước, như tiểu vùng sông Mekong mở rộng, để cả Việt Nam và Lào đều hưởng lợi. "Ở điểm này, Việt Nam cũng có thể dùng chính vị thế của mình để huy động vốn đầu tư và hỗ trợ nước ngoài", ông Sơn nhận định.
Dành ưu tiên cao nhất cho Lào
Chuyến thăm Lào trong hai ngày 10 và 11-4 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều khó khăn và thách thức, chuyến thăm của Chủ tịch nước "thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Lào".
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tất cả các lĩnh vực hợp tác.
Hai bên cũng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước càng cần tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua các thách thức và khó khăn, cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho biết có ba thách thức lớn mà hai nước đang phải đối mặt. Thứ nhất, đó là ổn định phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Thứ hai, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn đang gây ra áp lực chọn bên. Và thứ ba, nguồn tài nguyên nước sông Mekong đang ngày càng suy thoái do biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển kinh tế của các nước trong lưu vực.
Để vượt qua những thách thức đó, theo ông Dũng, hai nước cần tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa để "tăng tự chủ chiến lược, không bị phụ thuộc vào một quốc gia nào từ đó giảm thiểu rủi ro".
Theo ông, năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác vì thịnh vượng chung và phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong khi Lào là chủ tịch luân phiên ASEAN.
Tặng Lào 1 triệu USD
1 triệu USD là món quà mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Lào trong chuyến công du lần này.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng là một trong những trọng tâm của chuyến thăm. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2022 đạt gần 1,7 tỉ USD (tăng hơn 25%). Việt Nam hiện có 219 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 4,7 tỉ USD, duy trì vị trí thứ ba.
Trong năm 2022, hai bên đã tổ chức khởi công và khánh thành, bàn giao một số dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận