Chiều 14-8, khi gặp gỡ báo chí để giới thiệu phim Ma da, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng và dàn diễn viên trả lời nhiều câu hỏi liên quan bộ phim và mỗi người, nhưng vắng mặt NSƯT Thành Lộc.
Văn hóa dân gian không phải mê tín dị đoan
Hiện nay, thể loại kinh dị không phải món ăn tinh thần được khán giả Việt ưa chuộng. Những năm gần đây, phim kinh dị hầu như đều có doanh thu thấp, nhận về nhiều phản hồi tiêu cực từ khán giả và giới phê bình. Đơn cử như Vong nhi, Án mạng lầu 4, Duyên ma, Cù lao xác sống…
Vì vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng chọn dòng phim này để ra rạp thời điểm thị trường phim Việt thất thế trước phim ngoại là một thách thức lớn.
Lý giải điều này, anh cho biết: "Nếu thành công, điều này có thể tạo ra bước ngoặt cho phim kinh dị Việt Nam và mở ra cơ hội cho các nhà làm phim khác.
Ngược lại, nếu doanh thu không như kỳ vọng, đây sẽ là một bài học quan trọng về việc nắm bắt thị hiếu của khán giả và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn thể loại phim phù hợp với thời điểm ra mắt".
Trả lời về việc một số phân cảnh "thầy bà" có bị vướng phải tranh cãi truyền bá mê tín dị đoan, diễn viên Việt Hương chia sẻ:
"Nhà sản xuất không cần phải bất cứ hành động nào để vượt qua kiểm duyệt. Vì đây là chuyện dân gian truyền miệng qua nhiều thế hệ và mỗi người, mỗi vùng miền đều có cách thực hiện nghi lễ khác nhau.
Hành động đó không cổ xúy cho mê tín dị đoan. Đó là lòng tin để con người dũng cảm hơn.
Ví dụ như đoàn phim chúng tôi đều đeo một sợi dây chỉ đỏ để tránh những việc không may ở nơi vắng vẻ đó".
Theo cô, những phân cảnh đó rất xác thực và được người dân ở vùng miền đó thường xuyên áp dụng trong suốt nhiều năm làm nghề sông nước.
Nghệ sĩ Trung Dân đã chia sẻ về những kỷ niệm thời thơ ấu khi ông chủ lò rèn kể cho ông nghe nhiều câu chuyện về con ma da.
Ông cho rằng niềm tin vào những điều này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân mỗi người: "Nếu ai tin thì sẽ có và ngược lại".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng tín ngưỡng là một khía cạnh tâm linh, có tác động lớn đến con người, khuyến khích họ làm điều thiện để hưởng phước và tránh điều ác để không phải trả giá.
"Bộ phim Ma da gắn kết chặt chẽ với văn hóa người Việt. Nghề vớt xác không chỉ đơn thuần là một công việc mưu sinh, mà còn là một sự chọn lựa của số phận, một điều mà trời đất đã định đoạt" - ông nhận định.
Trailer phim Ma da
Việt Hương đóng chính, không đóng thế
Ma da là phim điện ảnh kể về truyền thuyết tâm linh, cảnh báo nguy hiểm mà người dân miền sông nước gặp phải.
Phim lấy bối cảnh và quay suốt 35 ngày tại rừng ngập mặn ở Năm Căn, Cà Mau.
Bà Lệ (Việt Hương) làm nghề vớt xác người chết trên sông để đưa về gia đình của họ.
Vì đắc tội với ma da - một oan hồn dưới sông nước thường xuyên kéo chân người để thế mạng cho mình đi đầu thai, khiến cho con gái của bà cũng bị bắt.
Bà Lệ phải nhờ người trong làng giúp đỡ để cứu con, từ đó khám phá những bí mật đằng sau oan hồn ma da kia.
Phim còn có sự góp mặt của NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Trung Dân, ca sĩ Cẩm Ly...
Theo diễn viên Việt Hương, cô phải đi nhuộm da rất nhiều lần để phù hợp với nhân vật.
Việt Hương học lặn, học bơi, tìm hiểu thực tế về quy tắc công việc và cuộc sống của người làm nghề vớt xác.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện các cảnh quay dưới nước, Việt Hương cho biết: "Mỗi ngày, tôi phải ngâm mình dưới nước ít nhất 8 tiếng và đỉnh điểm là 13 tiếng.
Do ngâm nước quá lâu, cơ thể bị lạnh khiến chân của tôi cứ rút lên khi nằm xuống, cơ mặt cũng bị co rút, nhưng may là không dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.
Toàn bộ cảnh trên phim là tôi đóng chính, không có diễn viên đóng thế. Tôi phải cột cái tạ 5 ký vô người để dễ dàng chìm xuống dưới sông".
Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ quan điểm về việc lăn xả diễn xuất ở độ tuổi này:
“Ai cũng nói mình đã có tiền tài, danh tiếng, hạnh phúc và địa vị. Tại sao tôi phải cực khổ, dầm mưa dãi nắng đi quay vùng sâu vùng xa?
Nhưng đối với tôi là đam mê. Được thế hệ trẻ trong đoàn phim dành tình yêu và sự ngưỡng mộ đó là điều tôi rất phấn khởi, hơn cả những lời khen của đồng nghiệp cùng tuổi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận