TTCT - Khi tôi bật Skype để trực tiếp trò chuyện như chị muốn, nhà văn Kim Thúy ngồi đó, gương mặt rạng rỡ, khu vườn xanh mướt lao xao phía sau lưng. Chị nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, với giọng Nam chuẩn và tiếng cười giòn tan. Nhà văn Kim Thúy. Ảnh: CrSarahScott Tôi đọc tiểu thuyết Ru từ nhiều năm trước và rất ấn tượng bởi cách hành văn giàu hình tượng và rất thơ của chị. Trong Ru, sau khi giới thiệu nhân vật chính là Nguyễn An Tịnh và mẹ cô là Nguyễn An Tĩnh, chị viết “Lịch sử đã quẳng dấu nặng dấu ngã trên tên của chúng tôi xuống nước khi nó đưa chúng tôi băng qua vịnh Thái Lan 30 năm trước”. Tiếng Việt, khi xuất hiện ở nước ngoài, thường phải bỏ mất dấu, nhưng trong các tác phẩm bằng tiếng Pháp của chị, tiếng Việt hiện lên nguyên vẹn hình hài với đầy đủ dấu. Tại sao chị đặt tên cho toàn bộ các chương trong tiểu thuyết thứ hai, Mãn, bằng tiếng Việt song song tiếng Pháp?- Tôi rời Việt Nam cùng gia đình lúc 10 tuổi. Sang Canada, điều ba má tôi lo sợ là chúng tôi quên tiếng Việt và mất đi gốc gác Việt Nam. Vì thế hai ông bà đã không thay đổi tên của chúng tôi, mặc dù tên của tôi (Thúy) và tên hai em trai tôi (Nhơn, Tín) rất khó phát âm đối với người Canada. Thay vì nói tiếng Pháp để giúp chúng tôi nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới, ba má chúng tôi chỉ sử dụng tiếng Việt trong gia đình. Sự yêu thương và nâng niu tiếng Việt vì thế đã được tôi thừa kế.Sau khi Ru được xuất bản, độc giả thỉnh thoảng yêu cầu tôi viết một câu gì đó bằng tiếng Việt trong lời đề tặng dành cho họ. Một số người cứ tưởng tiếng Việt viết ra giống như tiếng... Trung Quốc... Từ đó tôi nghĩ mình phải chuyển tải nhiều hơn nữa tiếng Việt vào tác phẩm. Đó là lý do tôi sử dụng nhiều từ tiếng Việt trong tác phẩm Mãn, những từ rất thân thương như mẹ, cha, guốc, hoa phượng, mưa, áo dài, kiên nhẫn, bếp...Trong Mãn, chị viết “Người ta nói rằng khi Truyện Kiều còn, không cuộc chiến nào có thể xóa sổ đất nước Việt Nam”. Truyện Kiều có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chị?- Trong sinh hoạt đời thường của gia đình, ba má tôi hay trích đọc những câu Kiều để bảo ban, khuyên nhủ, giúp nuôi dưỡng tâm hồn của ba chị em tôi. Truyện Kiều vì thế đã ăn sâu vào cuộc sống của tôi. Khi về Hà Nội, tôi đã ra hiệu sách mua Truyện Kiều bằng tiếng Việt, cố gắng đọc và nhận ra rằng mình chẳng hiểu được gì nhiều. Trở lại Canada, tôi tìm mua bản dịch tiếng Pháp với rất nhiều chú giải để có thể hiểu thêm. Rồi tôi đem Truyện Kiều bằng tiếng Việt đọc với ba má, cùng rất nhiều câu hỏi để có thể tiếp cận tốt hơn tác phẩm đồ sộ này. Có một thời tôi đã thuộc lòng một đoạn Truyện Kiều. Tôi thấy Truyện Kiều là một tác phẩm vĩ đại nhưng không xa vời mà hiện diện rõ nét trong cuộc sống đời thường của người Việt.Chị đã trở về Việt Nam làm việc một vài năm. Những năm tháng đó ảnh hưởng thế nào đến các tác phẩm của chị sau này?- Tôi làm việc ở Hà Nội từ năm 1994-1999, là luật sư của một công ty luật Canada. Chúng tôi làm việc với tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong một dự án liên quan đến chính sách cải cách pháp luật. Sau đó tôi vào TP.HCM làm việc thêm một năm nữa tại Tổng lãnh sự quán Canada. Nếu không trở về Việt Nam, tôi đã không thể viết các tiểu thuyết Ru, Mãn và Vi.Tôi rời Việt Nam lúc còn nhỏ cùng gia đình trong một hoàn cảnh khá đen tối: chúng tôi vượt biển, phó mặc đời mình cho số phận. Nếu chỉ sống ở nước ngoài, tôi chỉ có thể hình dung về một Việt Nam qua câu chuyện của những người khác. Nhưng khi trở về sống và làm việc ở Hà Nội và Sài Gòn, tôi được trực tiếp trải nghiệm sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.Và tôi nhận ra những vẻ đẹp hết sức độc đáo trong cuộc sống hằng ngày của người Việt. Từ đó tôi quyết tâm chuyển tải những câu chuyện và bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.Ru mỏng (141 trang), mỗi chương là một dòng suối nhỏ trôi người đọc vào một ngóc ngách nào đó trong cuộc đời của nhân vật chính, rồi dòng suối ấy ùa người đọc ra biển lớn: sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Hẳn chị đã viết Ru trong một hoàn cảnh đặc biệt?- Tôi viết Ru một cách rất tình cờ, bắt đầu năm 2007. Lúc đó, tôi đã mở một nhà hàng Việt Nam tại Quebec, vừa lo việc nấu nướng tại nhà hàng, vừa chăm lo gia đình nên phải chạy ngược chạy xuôi. Một người bạn tặng tôi quyển sổ để ghi chép, và tôi quyết định viết trong lúc lái xe, mỗi khi dừng lại ở đèn đỏ để tránh việc ngủ gục vì mệt mỏi. Rồi sự say mê viết đã cuốn tôi đi, đến nỗi tôi đã chạy xe vòng quanh Quebec, tìm những chỗ nào có đèn đỏ lâu nhất để có thể viết.Dù tôi bắt đầu viết rất muộn, sự say đắm với văn chương có lẽ đã khởi nguồn từ lúc tôi 14 tuổi. Nó bắt đầu bằng một quyển sách. Những ngày đó, khi tôi đang mải miết cúi gập người trên chiếc máy may để giúp má tôi may gia công kiếm thu nhập cho gia đình, cậu tôi nói rằng có một quyển sách rất hay viết về Việt Nam: tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras.Nỗi mong nhớ quê hương khiến hai cậu cháu gom góp hết số tiền dành dụm và ra hiệu sách. Tôi nhớ rõ là quyển sách tốn hết 15 đôla, tôi đã phải còng lưng bên máy may khoảng hai tuần mới kiếm đủ số tiền ấy.Tiếng Pháp của tôi lúc đó rất tệ, cậu tôi đã phải đọc cho tôi nghe, để rồi ngôn ngữ văn chương của quyển sách, tính thơ và nhịp điệu của nó thấm vào tôi từ lúc nào không biết. Tôi đã thuộc lòng toàn bộ tiểu thuyết Người tình. Rồi mơ mộng trở thành nhà văn để có thể kể những câu chuyện về đất nước mình, về dân tộc mình.Chiến tranh hiện ra khốc liệt trong các tiểu thuyết của chị, đem đến biết bao mất mát và chia ly. Nhưng khi đọc, tôi không thấy sự hậm hực, cay đắng mà ngập tràn ánh sáng của tính nhân bản. Chị cũng đề cập các bức tường đã được dựng lên giữa những người Việt ở hai phía của cuộc chiến, nhưng chị không tin vào những bức tường?- Trong các tác phẩm, dù kể về những biến cố đau buồn trong cuộc đời các nhân vật, nhưng tôi không đổ lỗi cho ai. Tôi cho rằng họ đều là những nạn nhân của cuộc chiến. Tại sao mình chỉ kể về nỗi đau của những thuyền nhân di tản mà không bày tỏ sự cảm thông cho những người lính miền Bắc? Một người lính miền Bắc chết hay một người lính miền Nam qua đời có nghĩa là một đứa con của một bà mẹ đã phải ra đi. Một người mẹ miền Bắc cũng có nỗi đau như một người mẹ miền Nam.Lúc đầu khi Ru được xuất bản, đã có những người Việt ở Canada trách tôi quá cởi mở, nhắc tôi về những lý do gia đình tôi phải rời bỏ Việt Nam. Tôi hiểu và thông cảm những điều họ nghĩ. Thế hệ của những người như ba má tôi đã phải mất đi rất nhiều khi phải rời bỏ xứ sở, bây giờ trong họ vẫn là nỗi buồn khó có thể nguôi ngoai.May mắn là tôi được sinh ra sau này, quá trẻ và không trực tiếp trải nghiệm nhiều biến cố lịch sử, vì thế có thể nhìn ngược lại và hiểu về những sự kiện đó một cách khách quan hơn. Tôi luôn hi vọng một ngày gần đây, mọi người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước đều YÊU đất nước Việt Nam, cùng một lòng chung tay xây dựng một Việt Nam giàu mạnh hơn nữa, giàu không chỉ ở vật chất mà giàu về văn hóa và trí tuệ để chúng ta, cùng với chiều dày lịch sử của dân tộc, có thể đưa Việt Nam vào một vị trí quan trọng trên thế giới.Chân thành cảm ơn chị.■Ảnh: Quế Mai Nhà văn Kim Thúy sinh tại Sài Gòn năm 1968, tác giả của ba tiểu thuyết: Ru, Mãn và Vi. Ru đã được dịch và xuất bản ở 27 quốc gia, giành được giải thưởng của Toàn quyền Canada năm 2010, giải thưởng văn học Grand Prix RTL-Lire (Pháp), giải thưởng Mondello cho sự đa dạng về văn hóa (Ý), giải thưởng Canada Reads do bạn đọc Canada bình chọn cho quyển sách xuất sắc nhất với chủ đề “Cuốn sách phá vỡ các rào cản”. Chị cũng đã xuất bản quyển sách nấu ăn Le secret des Vietnamiennes (Bí mật của người Việt) với những món ăn mà chị đã học được từ mẹ, cô, và dì của chị. Vượt qua nhiều tác giả danh tiếng, chị vừa lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn chương mới (được coi như một giải thưởng để thay thế cho giải Nobel văn học 2018). Trên trang web của giải thưởng có ghi “Những câu chuyện của Kim Thúy vẽ lên những sắc màu, hương thơm, mùi vị của đất nước Việt Nam, những hiểm họa khi phải sống xa xứ, cũng như hành trình tìm kiếm lại bản ngã”.“Tôi nhớ có một lần trong lớp học, thầy giáo vẽ lên bảng một cái hình và nói chúng tôi điền vào đó những con số: bao nhiêu phần trăm chúng tôi là người Canada và bao nhiêu phần trăm chúng tôi là người nước ngoài. Tôi phân vân không biết điền vào đó thế nào. Một người bạn nói với tôi: “Tại sao mình phải chọn? Cái quyết định mình là ai không phải nơi mình sống, mà là văn hóa mình mang theo”. Từ đó trở đi tôi không chọn nữa. Tôi nói tiếng Việt, rành văn hóa Việt Nam, tính Việt của tôi thể hiện trên gương mặt, trên làn da, vì thế tôi có thể khẳng định 100% con người tôi là Việt Nam. Nhưng dưới làn da của tôi cũng có dòng chảy văn hóa của vùng Quebec nơi tôi lớn lên và sinh sống. Vì thế 100% con người tôi cũng là người Quebec.Thật sự, nếu không phải là người Canada, tôi không thể yêu Việt Nam và văn hóa Việt Nam đến vậy. Nếu không phải là người Canada, tôi đã không ngỡ ngàng khi nhận ra vẻ đẹp trong câu hỏi rất bình thường của người Việt: “Thương bà để đâu?”, tim tôi run lên khi đứa bé được hỏi đưa tay để lên đầu. Với người Canada, tình thương với họ cất trong tim chứ không để trên đầu. Đối với người Việt, tình thương không những cất cả trong đầu, trong tim mà còn có nhiều cung bậc: thích, thương, yêu, mê, yêu mù quáng, yêu vì tình nghĩa... Vì cơ thể tôi có dòng chảy của hai nền văn hóa, trong tôi luôn có sự so sánh. So sánh không phải chỉ ra nền văn hóa nào đẹp hơn, mà để nhận ra những cái lạ và sự khác biệt”. (Nhà văn Kim Thúy) Tags: Nhà văn Kim ThúyRu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.