TTCT - Quan sát Tamara Kriukova trò chuyện với các độc giả của mình tại hội sách quốc tế Matxcơva tháng 9-2017, khó tưởng tượng nữ nhà văn đã ngoài lục tuần. Tamara Kriukova với chú mèo (nhưng không phải là Barsik) của mình.-Ảnh: P.X.L. Trẻ trung, hóm hỉnh khiến các khán giả nhí cười vang, Tamara Kriukova cùng các nhân vật của mình đã chiếm một góc ấm áp và tin cậy trong tim những người đọc trẻ. Bà đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện nhân cuốn sách đầu tiên của bà, Nhật ký mèo khôn, ra mắt độc giả Việt Nam. Sinh nhật ngày cá tháng tư Chị nổi tiếng ở Nga là nhà văn thiếu nhi với đủ các thể loại chinh phục, từ cổ tích, truyện tranh, nhật ký các chú mèo... tới những truyện dài về rung động đầu đời của tuổi thiếu niên... Vì sao chị chọn độc giả trẻ? - Trẻ em là những độc giả trung thành và chung thủy nhất. Họ có cách thừa nhận tình yêu mà người lớn chúng ta không biết. Chị cứ thử phán xét đi, đây một số những nhận xét từ những độc giả trẻ của tôi: “Bà có những quyển sách mà khi em đọc, em có cảm tưởng như chính mình ở trong đó”. “Một người bình thường không thể có bấy nhiêu tưởng tượng như của tác giả Kriukova”... Có lần tôi nhận được một lá thư gửi kèm một quả bóng bay. Đó là độc giả gửi cho một nhân vật trong quyển sách Đấy mới là xiếc! của tôi. Trong thư cậu bé viết: “Đanka, mình biết cậu không tồn tại, nhưng dẫu sao mình cũng muốn tặng cậu quả bóng này, bởi mình rất muốn cậu là người thật”. Viết cho trẻ em là một trách nhiệm lớn lao. Thế giới quan của người lớn đã hình thành rồi, nên cái nhìn cuộc sống, nếu sách không hợp ý, họ đơn giản bỏ qua. Còn trẻ em hấp thu những gì chúng đọc. Chúng như một chiếc lọ mà ta phải đổ đầy. Cần phải hướng dẫn chúng những giá trị đạo đức. Nhà văn phải chịu trách nhiệm cho việc họ đặt gì vào tâm người đọc trẻ: những điều tốt hay xấu. Nhưng thế nào là tốt hay xấu? Và trẻ em hiện nay so với trước kia, khi chị, tôi còn là trẻ em, cũng rất khác nhau. Chị nghĩ gì về trẻ em hiện nay? Những giá trị tinh thần nào chúng ta cần khơi gợi? - Tôi cho rằng bên cạnh việc xuất hiện điện thoại di động và máy tính, tâm lý con người không thay đổi. Con người hiện nay cũng như con người thời Hi Lạp cổ đại hay châu Âu trung cổ, cũng sợ cô đơn và mong muốn tình yêu. Những giá trị tinh thần như tình yêu, lòng biết ơn, sự tôn trọng, thủy chung, tính trung thực... luôn vĩnh cửu. Đặc biệt, tôi cảm nhận rõ rệt yêu cầu đó trong giới thiếu niên. Tôi có quyển sách Kostya + Nika, được gọi là “Romeo và Juliet” thời hiện đại. Có lần, trước buổi chiếu bộ phim được chuyển thể từ quyển sách này, một nữ nhà báo phát biểu: “Giờ đang là thế kỷ thực dụng. Tình yêu kiểu như trong quyển sách này là không có. Tình yêu phải theo tính toán”. Trong khán phòng có các học sinh năm cuối trung học và sinh viên. Họ lao vào bảo vệ tình yêu trong sáng đó. Họ nói đây là quyển sách viết về họ và tất cả đều đúng. Nữ nhà báo này sau đó thú nhận với tôi là cô không ngờ có phản ứng như thế từ giới trẻ và chúc mừng tôi có những độc giả trung thành như thế. Mà mọi thứ thì đơn giản thôi: con người luôn vươn tới ánh sáng. Cái chính là tìm ra được ngôn từ thích hợp, lay động được tâm hồn họ. Từ khi nào văn học trở thành công việc chính thức của chị? Chị đã bắt đầu nghiệp viết như thế nào? - Chồng tôi làm việc ở Đại sứ quán Nga tại Nam Yemen khi ở đó đang có cuộc chiến tranh giành quyền lực bằng vũ khí. Chiến tranh thật sự. Tất cả gia đình của các nhân viên đại sứ quán đều trú ẩn trong tòa đại sứ. Rồi có một ngày khủng khiếp, khi chiến sự nổ ra gần như sát cạnh tòa đại sứ. Tôi không muốn đứa con trai 5 tuổi của tôi sợ hãi, nên gom hết bọn trẻ con, dẫn chúng đi xa khỏi người lớn, tuyên bố là chúng ta sẽ được phép mầu bảo vệ và bắt đầu kể cho chúng một truyện cổ tích mà tôi bịa ra. Ngày hôm sau, tất cả phụ nữ, trẻ em được sơ tán về nước. Sợ để chồng tôi lại một mình, tôi hỏi ý con trai: “Theo con, mẹ nên hành động thế nào: đi cùng con hay ở lại với ba? Con thấy đó, ở đây không ổn lắm, còn ở nhà với ông bà thì bình yên”. Con tôi nghĩ một lúc rồi đáp: “Mẹ phải ở lại”. Và nó ra về cùng mảnh giấy ghi địa chỉ nhà ông bà trong túi quần short. Tôi đứng ngồi không yên cho đến khi nhận được tin là ông cháu đã đón cháu ở Matxcơva. Thế rồi tôi bắt đầu viết truyện cổ tích gửi con trong các bức thư, nơi cháu là nhân vật chính. Mỗi tuần một chương mới được gửi theo đường bưu điện. Tôi chẳng bao giờ nghĩ là truyện cổ tích ấy khi nào đó sẽ trở thành một quyển sách, thế nhưng bọn chúng đã háo hức chờ. Mỗi khi thư về, trẻ em, người lớn tụ tập lại cùng đọc. Sau đó tôi thu hết can đảm mang truyện cổ tích ấy tới nhà xuất bản. Quyển sách ra đời và tôi quyết định trở thành nhà văn. Tôi làm việc nhiều, những quyển sách sau tốt hơn nhiều so với truyện đầu tiên. Như khi đó đang thời Cải tổ, các nhà xuất bản xuất hiện rồi phá sản, bản thảo thất lạc. Cứ thế kéo dài 10 năm, rồi một ngày nọ ở ba nhà xuất bản cùng lúc xuất hiện ba quyển sách của tôi. Đó lại là ngày Cá tháng tư. Và tôi xem đó là ngày sinh nhật của mình, như một nhà văn. Sẽ có Suối Tiên và hồ sen Vậy là chị đã có gần ba thập niên là nhà văn. Có những khoảnh khắc nào thú vị không? - Nhiều chứ. Có lần tôi được đặt ngang hàng với các nhân vật văn học nữa đấy. Đó là lúc Harry Potter đang mốt. Ở Nga đã xuất hiện loạt sách mô phỏng Harry Potter mang tên Tanya Grotter. Người ta thăm dò trẻ em xem chúng đọc gì. Trẻ em đáp: “Harry Potter, Tanya Grotter và Tamara Kriukova”. Sau cuộc thăm dò đó tôi được mời vào điện Kremlin dự bàn tròn với phu nhân một số nước, thảo luận về vấn đề đọc sách của trẻ em. Mà Harry Potter lẫn Tanya Grotter còn chẳng được mời. Có lần tôi xấu hổ khi phải xưng tên mình. Đó là lúc tôi đang gội đầu trong nhà tắm cạnh hồ bơi. Một phụ nữ nói về đứa con trai tuổi thiếu niên của mình: “Hiện giờ bọn trẻ chẳng thích đọc. Còn con tôi và bạn bè của nó chỉ đọc Kriukova”. Tôi rất vui, nhưng người tôi đang ướt và đầy xà phòng nên tôi chẳng dám nhận mình chính là Kriukova. Năm ngoái tôi được gọi là “Người nhếch nhác” trong cả nước. Các thư viện tổ chức cuộc thi “Người nhếch nhác” để chọn ra quyển sách nhiều người đọc nhất. Cuộc thi tiến hành suốt năm, và cuối cùng người ta tổng kết được rằng sách của tôi ít khi nào được đứng trên kệ sách vì chúng được mượn nhiều nhất. Tôi còn có giải thưởng tuyệt vời mang tên “Huân chương vỗ tay”, do trẻ em trao tặng. Đó là biểu tượng của sự nhìn nhận cao nhất đối với tôi. Trong số những khoảnh khắc thú vị còn có chuyến đi du lịch của tôi tới Việt Nam. Tôi nghĩ trong một quyển sách nào đó sắp tới của tôi sẽ xuất hiện suối Tiên và hồ sen. Chị có vẻ không quan tâm tới chính trị? - Chính trị là bà cô thất thường nhất. Tình hình chính trị thay đổi, nhưng con người vẫn thế. Tôi quan tâm hơn tới con người, đến cuộc sống, những vấn đề, tâm tư và sự trưởng thành của họ chứ không phải những trò chơi chính trị. Không thể viết những quyển sách thiếu nhi theo “tình hình thời sự” được, trong sách thiếu nhi cần viết về những gì chủ yếu nhất, vĩnh cửu. Tình hình thời sự có thể thay đổi, ra đi, còn con người thì ở lại. Hơn thế nữa, bạn phải trong trạng thái thật hài hòa khi viết sách thiếu nhi. Mà việc quan tâm tới chính trị đâu thể làm tâm hồn tĩnh lặng. Chị có thể nói gì về cuộc sống ở nước Nga hiện nay và trước đây, đôi chút so sánh? - Tôi thích đời sống hiện nay hơn. Hiện giờ con người có nhiều tự do hơn. Chúng tôi có thể đi du lịch, chứ như trước đây tôi không thể được đi bấy nhiêu đó nước. Chúng tôi có thể giao tiếp với những người sống ở nước ngoài, có thể mời họ tới nhà chơi, có thể thư từ qua lại hoặc điện đàm. Trước đây chuyện này bị cấm. Với những người sáng tạo xuất hiện nhiều cơ hội hơn. Họ có thể viết sách, soạn nhạc, dựng kịch, quay phim theo cách mà họ thấy cần, chứ không phải theo cách mà họ bị yêu cầu. Internet mở ra nhiều khả năng hơn cho việc học. Nhưng từ phía khác, xuất hiện nạn thất nghiệp. Đặc biệt là ở các nước cựu Cộng hòa Xô viết. Người ta phải đi làm xa nhà, không thể tìm công việc để nuôi sống gia đình. Giáo dục cơ bản trước đây tốt hơn. Tiếc thay, chúng tôi đã áp dụng hệ thống của Mỹ, nơi không cần phải suy nghĩ nhiều, đơn giản chỉ cần đánh dấu trước câu trả lời nào ta thấy đúng. Giáo dục đại học phần lớn là tốn phí, nên nhìn chung chất lượng ra trường giảm sút. Trước đây gia đình bền chặt hơn. Trẻ em gần với cha mẹ hơn, hiện giờ họ sớm sống đời độc lập, không quan trọng chuyện hôn nhân hay việc đi tìm một nửa của mình, sau đó họ cưới nhau rồi ly hôn. Thật lạ là trước đây số vụ ly hôn ít hơn. Tôi cũng nhận thấy có sự phân hóa trong giới trẻ. Một số chẳng cần gì ngoài bia bọt, phố xá và tivi. Số khác thì quan tâm tới mọi thứ: họ học hỏi, du lịch đi nhờ (hitchhike) nếu không đủ tiền, làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác. Thời trẻ của tôi, những người trẻ sâu sắc, thú vị và đa dạng như thế chỉ là số ít, còn hiện nay họ rất nhiều. Nên ở đâu cũng có điểm mạnh và yếu của mình Chị chọn lựa đề tài cho sách của mình thế nào? Và làm thế nào để có được ngôn ngữ và cách ăn nói của tuổi “teen” cho những quyển sách của mình? - Tôi không chọn đề tài, mà chúng được gửi tới cho tôi. Chẳng hạn, tôi không hề chuẩn bị viết sách cho người lớn khi một ý tưởng chấn động ập đến với tôi. Tôi cố thể hiện nó trong một quyển sách tuổi teen, nhưng không thành công. Quá chật hẹp với nó. Tôi đã vài lần bắt tay theo cách đó nhưng không thành công, và cuối cùng tôi phải đầu hàng. Sau đó quyển sách - không - phải - thiếu - nhi ra đời: Ngồi bên hiên vàng. Đôi khi ý tưởng đến khi tôi dạo chơi ngoài trời, nghe nhạc, đặc biệt ý tưởng xuất hiện nhiều khi tôi đi du lịch. Đó là lý do vì sao tôi thích đến các nước khác nhau. Còn về ngôn ngữ. Ngôn ngữ khiến các nhân vật của tôi sống động, chân thực, bởi mỗi lứa tuổi có một cách nói năng của họ. Tôi thu thập từ vựng trẻ con giống người chơi tiền cổ sưu tập đồng xu vậy. Những gì nghe được tôi ghi lại, bỏ vào ống tiết kiệm. Đến khi cần, tôi lấy từ trong ống tiết kiệm ra đặt vào miệng nhân vật. Chị nghĩ gì về việc chú mèo Barsik của chị nói tiếng... Việt, nhất là trong điều kiện gần đây ít có những tác phẩm hiện đại Nga, nhất là truyện thiếu nhi, được dịch sang tiếng Việt? - Chị sẽ nghĩ gì khi được tặng một món quà quý mà chị hằng mơ ước? Đó là hạnh phúc được đặt quyển sách của mình vào tay các cô, cậu bé Việt Nam. Tận đáy lòng tôi cảm ơn NXB Trẻ và dịch giả đã tặng cho tôi những độc giả mới. Tôi rất muốn đặt một chiếc cầu giữa trẻ em chúng ta, để ngôn từ của tôi lớn lên thành những chồi mầm của tình bạn, sự tôn trọng và mối quan tâm. Cảm ơn tất cả những ai đã cho tôi cơ hội tặng cho độc giả Việt Nam một phần tâm hồn mình. Cảm ơn chị đã dành cho TTCT cuộc trao đổi. Chúc chiếc cầu của chị vững bền.■ Tags: Tamara KriukovaNhật ký mèo khônNhà văn thiếu nhi NgaViết cho trẻ em
Bão Yinxing sáng 8-11 vào Biển Đông, cường độ mạnh, diễn biến phức tạp CHÍ TUỆ 07/11/2024 Dự báo sáng 8-11, bão Yinxing đi vào Biển Đông với cường độ cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển.
Concert Anh trai say hi đẩy đội tuyển Việt Nam khỏi sân Mỹ Đình? HOÀNG TÙNG 07/11/2024 Concert Anh trai say hi được thông báo tổ chức vào ngày 7-12 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Điều này khiến đội tuyển Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể đấu với Indonesia trên sân Mỹ Đình vào ngày 15-12 trong khuôn khổ ASEAN Cup 2024.
Giá vàng thế giới lại tăng dựng đứng ÁNH HỒNG 08/11/2024 Đêm 7-11, giá vàng thế giới lại đảo chiều tăng 39 USD/ounce, tương đương 1,2 triệu đồng/lượng, lên sát 2.700 USD/ounce.
Doanh nghiệp của đại gia Xuân Thiện vướng lùm xùm về thuế làm ăn ra sao? BÌNH KHÁNH 07/11/2024 Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục Thuế Đắk Lắk xem xét hành vi doanh nghiệp trốn thuế trong chuyển nhượng vốn tại Công ty cổ phần Ea Súp 3 - một thành viên Tập đoàn Xuân Thiện.