19/10/2022 09:20 GMT+7

Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục kiến nghị xây dựng Luật đạo đức để giáo dục về 'danh dự'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội xem xét nghiên cứu xây dựng Luật đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục kiến nghị xây dựng Luật đạo đức để giáo dục về danh dự - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Trí - Ảnh: PHẠM THẮNG

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí có báo cáo về công tác của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Báo cáo nêu rõ trong năm 2022, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất, đã khởi tố 31.711 vụ, giảm 2.628 vụ (7,6%).

Đáng lưu ý đã khởi tố điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Báo cáo dẫn chứng điển hình vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Vụ án Đỗ Anh Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 501 vụ, tăng 137 vụ (37,6%).

Chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án; nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao.

Đáng lưu ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội...

Báo cáo dẫn điển hình các vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "đưa hối lộ và nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương liên quan.

Vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức; vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị có liên quan.

Vụ án "đưa hối lộ", "nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả 

Bên cạnh nội dung báo cáo về tình hình tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu, cụ thể, kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

Bên cạnh đó tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Ông Trí cũng cho rằng cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi.

Việc này nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

"Xem xét nghiên cứu xây dựng Luật đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm", ông Trí kiến nghị.

Kiến nghị xây dựng Luật đạo đức đã được ông Trí nêu ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2012 - 2022, với lý do "để giáo dục cho cộng đồng xã hội, chứ không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên".

Viện trưởng Lê Minh Trí nói về Viện trưởng Lê Minh Trí nói về '17 trường hợp bị oan' trong giai đoạn điều tra, truy tố

TTO - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng trong quá trình áp dụng các biện pháp tố tụng không nên dùng chữ "oan", bởi oan chỉ được xác định khi bản án có hiệu lực thi hành đồng thời kết luận có tội hay không.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên