Có thể tạo ra sự khác biệt gì?
Ukraine đã phải vật lộn chống chọi các cuộc tấn công của Nga kể từ khi viện trợ quân sự từ Mỹ dần cạn kiệt vào cuối năm ngoái, đặc biệt là tình trạng thiếu đạn pháo ngày càng nghiêm trọng.
Quân đội nước này đã buộc phải rời bỏ thành phố Avdiivka ở vùng Donbass vào tháng 2-2024 và hiện đang phải chịu áp lực ở Chasiv Yar.
Tỉ lệ Nga tấn công vào thủ đô Kiev cũng tăng gấp đôi, có nghĩa là pháo binh Ukraine ngày càng khó có thể ngăn chặn lực lượng Nga.
Tình trạng thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng đến mức một số xạ thủ Ukraine cho biết họ đã chuyển sang bắn đạn khói để dọa quân Nga vì họ không còn đạn. Đồng thời Ukraine đang thiếu hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.
Trong khi đó Nga chuyển sang tấn công mạnh mẽ vào các nhà máy điện của Ukraine, đánh sập hai nhà máy ở khu vực Kharkov vào tháng 3-2024 và một nhà máy khác ở phía nam Kiev vào đầu tháng này.
Khi nào vũ khí Mỹ có mặt trên chiến trường?
Cuối tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang chuẩn bị một lô hàng để Nhà Trắng phê duyệt gửi tới Ukraine trong vòng vài ngày sau khi Thượng viện tiếp nối Hạ viện phê chuẩn gói hỗ trợ và Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Dự kiến cuộc bỏ phiếu của Thượng viện diễn ra vào ngày 22-4 và lô hàng đầu tiên, có thể tập trung vào pháo binh và phòng không, có thể đến ngay sau đó. Một số loại đạn dược đã được dự trữ ở châu Âu và có thể được chuyển đi trong một hoặc hai tuần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ phải mất một thời gian trước khi nhận thấy sự thay đổi trên chiến trường. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga có thể tăng cường tấn công để tạo lợi thế trước.
Khi nào hỗ trợ của châu Âu sẽ đến Ukraine?
Sự hỗ trợ của châu Âu không nhanh như Mỹ, nơi một số loại đạn dược như đạn pháo do các công ty thuộc sở hữu của chính phủ sản xuất.
Việc sản xuất ở các nước châu Âu phụ thuộc vào các công ty thuộc khu vực tư nhân và việc ký kết hợp đồng mất nhiều thời gian hơn. Nhưng mối lo về khoản viện trợ của Mỹ bị bế tắc thời gian qua đã đẩy nhanh hoạt động ở châu Âu.
Sáng kiến do Cộng hòa Czech dẫn đầu nhằm mua thêm đạn pháo từ các nước trung lập có lượng dự trữ dư thừa đã gom được ít nhất 300.000 quả đạn, đợt hàng đầu tiên sẽ giao trước tháng 6-2024.
Tuần trước Đức cho biết họ sẽ chuyển hệ thống phòng không Patriot, trong khi Hà Lan đề nghị mua Patriot từ các quốc gia khác cho Ukraine.
Tác động trung hạn của viện trợ là gì?
Bên kia chiến tuyến, Nga cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,5% GDP và đổi mới trên chiến trường.
Matxcơva ngày càng sử dụng nhiều loại bom lượn phóng từ trên không, từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả, và tăng cường sử dụng máy bay không người lái. Nga cũng có lợi thế về số binh sĩ trên mặt trận.
Tờ Guardian dẫn lời các chuyên gia cho rằng Ukraine sẽ khó xoay chuyển thế trận trên chiến trường vào năm 2024.
"Điểm mấu chốt là nguồn tài trợ này có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025", ông Matthew Savill thuộc tổ chức nghiên cứu quân sự Rusi nhận định.
Trong khi đó, Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho rằng 2024 có lẽ là "năm cạnh tranh công nghiệp" khi cả hai bên đều cố gắng tích lũy nguồn lực nhằm tung ra đòn quyết định vào năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận