Các bị cáo tại tòa - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trước đó, luật sư Trần Văn Sự (bào chữa cho ông Tất Thành Cang) đã đề nghị HĐXX tuyên ông Cang không phạm tội.
Đối đáp với luật sư, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng luật sư bào chữa có sự mâu thuẫn. Cụ thể, luật sư cho rằng ông Cang không phải là chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, mà chủ thể là Văn phòng Thành ủy. Nhưng cũng chính luật sư cho rằng ông Cang là người phụ trách Văn phòng Thành ủy.
Thứ 2, luật sư cho rằng ông Cang không có quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần vì không phải là chủ sở hữu tài sản nhà nước ở Đảng bộ TP. Tuy nhiên, cũng chính luật sư lại cho rằng ông Cang đã chỉ đạo việc thu hồi việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần, tránh gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Theo VKS, các luật sư bào chữa cho ông Cang đều cho rằng ông Cang là nạn nhân của hành vi gian dối khi tờ trình số 12A bị ngụy tạo. Tuy nhiên, nội dung tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy trình xin ý kiến ông Cang nêu rõ phương án 2 là phát hành 9 triệu cổ phần cho một cổ đông chiến lược với giá dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần, ông Cang đã bút phê "đồng ý" với phương án 2 tại tờ trình 1148.
Theo VKS, Nguyễn Kim và SADECO tiếp xúc với nhau từ tháng 11-2016. HĐQT Công ty SADECO cũng nhiều lần họp bàn về việc chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược, và phát hành 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ đến khi có ý kiến đồng ý của ông Cang, việc chuyển nhượng mới thực tế hoàn thành trót lọt.
Mặc dù ông Cang phủ nhận có quan hệ với ông Nguyễn Kim, phủ nhận lời khai của ông Tề Trí Dũng về việc ông Cang gọi ông Dũng đến nhà dùng cơm, rồi truyền đạt ý kiến đề nghị ông Dũng cho Công ty Nguyễn Kim tham gia góp vốn vào SADECO, song VKS cho rằng lời khai của ông Tề Trí Dũng là có căn cứ.
Bởi suốt quá trình chuyển nhượng cổ phần tại SADECO, duy nhất Nguyễn Kim được tiếp xúc, làm việc và ký hợp đồng chuyển nhượng trót lọt cổ phần của SADECO với giá thấp mà không có bất kỳ một đơn vị nào khác. Việc xin ý kiến đơn vị chủ sở hữu cũng thuận lợi cho đến việc bút phê đồng ý của ông Cang.
Dù ông Tề Trí Dũng là tổng giám đốc Công ty IPC, chủ tịch HĐQT Công ty SADECO, song SADECO có phần vốn góp của UBND và Văn phòng Thành ủy. Nếu không có sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu, chắc chắn ông Dũng không thể tự mình quyết định việc chuyển nhượng cổ phần SADECO.
Ông Dũng khai UBND có ý kiến chỉ khi Văn phòng Thành ủy có ý kiến, UBND mới chấp thuận cho ý kiến. Sau khi nhóm đại diện vốn trình Văn phòng Thành ủy và được ông Cang đồng ý, đến ngày 27-6-2017, Văn phòng UBND TP mới có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo về việc giảm tỉ lệ vốn nhà nước và phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược. Lời khai của ông Dũng là nhất quán.
VKS thông tin thêm tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, ông Tất Thành Cang đang có vai trò pháp lý đặc biệt, có quyền lực rất lớn. Lúc đó Thành ủy TP.HCM chưa có bí thư, ông Cang đảm nhiệm vai trò của Thường trực Thành ủy.
Theo VKS, ông Cang cho rằng chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, nhưng thực tế ông đã làm trái quy trình, chỉ đạo cấp dưới từ trước.
Với vai trò đầu vụ, có tính chất quyết định, gây hậu quả đặc biệt lớn cho tài sản nhà nước, dù cấp dưới đều thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn, hối hận thì bản thân ông Cang, với vai trò lãnh đạo, lại chối bỏ trách nhiệm, phủ nhận lời khai của cấp dưới.
Quá trình điều tra và tại tòa, VKS đã nhiều lần phân tích, tạo điều kiện để bị cáo nhìn nhận lại hành vi sai phạm nhưng bị cáo vẫn một mực không thừa nhận hành vi phạm tội. Từ đó, VKS khẳng định việc truy tố ông Cang là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận