Ngày 15-8, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã có những quan điểm đối đáp với ý kiến bào chữa của các luật sư, bị cáo ở nhóm trung tâm đăng kiểm khối D (tư nhân) trong vụ án Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Luật sư cho rằng tiền chủ xe đưa cho đăng kiểm viên là tự nguyện bồi dưỡng
Trong phần bào chữa, một số luật sư cho rằng cần phân định rõ số tiền buộc phải chung chi và số tiền bồi dưỡng mà chủ xe tự nguyện cho.
Trong đó có luật sư của bị cáo Nguyễn Lê Doanh (đăng kiểm viên Trung tâm 50-10D) còn cho rằng mục đích của chủ xe khi đưa tiền là để đăng kiểm viên làm nhanh, bỏ lỗi và để cảm ơn.
Luật sư còn đặt vấn đề: "Đa số các xe khi đến kiểm định đều không có lỗi, nên số tiền đưa là do chủ xe tự nguyện bồi dưỡng có xem là tiền nhận hối lộ không?", và luật sư cho rằng viện kiểm sát không bóc tách được số tiền nhận hối lộ là có khả năng gây oan sai.
Về quan điểm trên của luật sư, viện kiểm sát lập luận: "Về cấu thành của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, đã nhận tiền hoặc lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Ở đây, khi đưa tiền, những người chủ xe chỉ yêu cầu là đăng kiểm đạt, dù có lỗi hay không.
Khi chủ xe đưa tiền và đăng kiểm viên nhận tiền xong, yêu cầu của chủ xe đã được đăng kiểm viên thực hiện, là xe đó sẽ được đăng kiểm đạt. Như vậy yêu cầu đã được thực hiện".
Cũng theo viện kiểm sát, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của hàng ngàn chủ phương tiện, đối tượng "cò", những người này đều xác định việc đi đăng kiểm là buộc phải đưa tiền để kiểm định đạt.
Hoặc nếu không đưa tiền, xe bị trả không đạt, khi quay lại kiểm định lại phải liên hệ với đăng kiểm viên, hoặc qua "cò" để chi tiền cho đăng kiểm viên thì mới đạt.
Điều đó xác định khi đi kiểm định phương tiện, các chủ xe đều phải đưa tiền vào xe như một quy định bắt buộc để việc đăng kiểm đạt, dù xe có lỗi hay không.
Việc một số luật sư và bị cáo nói không bàn bạc, không thỏa thuận với chủ xe về việc phải làm, không bắt buộc đưa tiền hoặc khi vào làm đã có chủ trương nhận tiền từ trước… là đã cố ý cắt ghép hành vi của các bị cáo, và không đặt trong bối cảnh việc nhận tiền khi kiểm định phương tiện đã là thông lệ chung của cả ngành đăng kiểm.
Viện kiểm sát: Một số luật sư không tôn trọng khách hàng
Theo viện kiểm sát, ở mỗi vụ án, bản thân các bị cáo là những người thực hiện hành vi phạm tội nên là người rõ nhất, hiểu chính xác nhất mình có thực hiện hành vi đó hay không, thực hiện ở mức độ nào.
"Ở vụ án này, trong khi các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì nhiều luật sư vẫn phân tích và cho rằng hành vi của thân chủ mình không cấu thành tội phạm, bị cáo không phạm tội. Như vậy các luật sư đang không tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng", đại diện viện kiểm sát nói.
Về việc nhiều luật sư đề nghị áp dụng cho thân chủ tình tiết giảm nhẹ vì tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng theo điểm t, khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự, viện kiểm sát lập luận:
Để được áp dụng tình tiết này, các bị cáo phải thực sự có các hành vi giúp cơ quan tố tụng giải quyết nhanh chóng vụ án như hỗ trợ đối chiếu số liệu, sổ sách; khai báo những nội dung để làm rõ hành vi phạm tội của người khác…
Trong khi đó có bị cáo trong quá trình điều tra cơ quan điều tra phải mời nhiều lần mới lên làm việc. Khi cơ quan điều tra có đủ tài liệu đấu tranh mới thừa nhận hành vi, nhưng tại tòa bị cáo lại đề nghị được hưởng tình tiết tích cực hợp tác là không có căn cứ.
Các bị cáo chỉ khai báo rõ hành vi của chính mình thì viện kiểm sát chỉ đề nghị áp dụng điểm s khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) đối với các bị cáo là phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận