Phóng to |
Ông Lê Văn Hiền, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, tại tòa - Ảnh: Thân Hoàng |
Đại diện VKS nhận định bị cáo Khanh có vai trò chính trong vụ án. Ông Khanh đã ký, ban hành thông báo số 225 ngày 28-12-2011 giao cho một tổ trong lực lượng cưỡng chế do ông Phạm Xuân Hoa (trưởng phòng tài nguyên - môi trường huyện) làm tổ trưởng chịu trách nhiệm tháo dỡ các rào, cổng, vật cản mở lối đi vào khu vực đầm, vùng cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ lều trông coi trên diện tích đất UBND huyện đã có quyết định thu hồi.
Ngày 5-1-2012, sau khi xảy ra vụ nổ súng, mìn tự tạo của gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống đoàn cưỡng chế, mọi công việc cưỡng chế tạm dừng. Đến chiều cùng ngày, tại khu vực 19,3ha đất đã có quyết định thu hồi, ông Khanh chỉ đạo ông Hoa đôn đốc lực lượng tháo dỡ đập phá nhà trông đầm, công trình phụ, đốt cháy lều trông đầm của gia đình ông Vươn.
Tiếp đó ông Khanh chỉ đạo các ông Phạm Đăng Hoan (53 tuổi, nguyên bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang), Lê Thanh Liêm (50 tuổi, nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang) gọi máy xúc phá nhà ông Quý. Sáng 6-1, máy xúc đã được đưa xuống khu đầm để san phẳng ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Quý dưới sự đôn đốc của lãnh đạo xã.
Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu Hội đồng định giá tài sản và xác định giá trị thực tế tài sản bị hủy hoại là 295.389.842 đồng.
Tuy nhiên đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng ông Khanh có nhiều tình tiết áp dụng giảm nhẹ hình phạt. Xét thấy ông Khanh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ đều có nhiều huân huy chương khi tham gia kháng chiến. Trong quá trình công tác ông Khanh có nhiều thành tích. Trong quá trình tố tụng, nhiều đoàn thể, người dân ở huyện Tiên Lãng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Khanh. Tại phiên phúc thẩm, các bị hại và trực tiếp ông Đoàn Văn Vươn cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Khanh.
Đại diện VKS cho biết theo kháng cáo, ông Khanh xin thay đổi tội danh. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, ông Khanh đã nhận mình phạm tội và chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt, đề nghị được hưởng án treo do sức khỏe yếu. Trước đó ông Khanh đã được cho tại ngoại để chữa bệnh chờ xử phúc thẩm. Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy bị cáo Khanh đã nhận thức được hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, đại diện VKS nhận thấy không cần áp dụng hình phạt cách ly bị cáo khỏi cộng đồng mà vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Khanh 30 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.
Đối với các bị cáo Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án mà phiên tòa sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo. Theo đó, Tòa sơ thẩm đã tuyên các bị cáo Phạm Đăng Hoan 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Xuân Hoa và Lê Thanh Liêm cùng chịu mức án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Viện kiểm sát nhận định ba bị cáo Hoa, Hoan, Liêm có vai trò đồng phạm với bị cáo Khanh thực hiện hành vi hủy hoại tài sản. Bị cáo Hoa, Liêm biết chỉ đạo của ông Khanh phá nhà ông Vươn trong diện tích đất có quyết định cưỡng chế và nhà ông Quý trong diện tích đất nằm ngoài khu vực cưỡng chế là trái quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Bị cáo Hoan không nằm trong ban chỉ đạo cưỡng chế nhưng có hành vi giúp sức cho các bị cáo khi trực tiếp chuẩn bị dụng cụ và thực hiện hành vi hủy hoại tài sản. Theo đại diện VKS, án sơ thẩm đã xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nên kháng cáo xin giảm án của ba bị cáo này không có cơ sở.
Về kháng cáo của các bị hại đề nghị tăng giá trị tài sản bị phá hủy, xây lại hai ngôi nhà đã bị phá, đại diện VKS cho rằng kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản là đúng quy định của pháp luật, khách quan và có căn cứ. Theo đó trị giá hai ngôi nhà của anh em ông Vươn bị phá hủy được định giá sau khi khấu hao giá trị tài sản trị giá 295.389.842 đồng. Đại diện VKS cho rằng yêu cầu định giá lại tài sản, hủy bản án sơ thẩm của các bị hại là không có căn cứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận