Đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định việc truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đề nghị toà có hình phạt đích đáng khi cho rằng bị cáo không thành khẩn, khai báo gian dối -Ảnh chụp qua màn hình: XUÂN LONG
Sáng 3-2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land) liên quan đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.
Dù chỉ một đồng cũng phạm tội tham ô, tham nhũng
Phiên xét xử bắt đầu bằng phần đối đáp qua lại giữa đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và luật sư bào chữa về những nội dung còn quan điểm khác nhau.
Về nội dung nhiều luật sư nêu các bị cáo không phạm tội tham ô, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định có đủ căn cứ truy tố về tội tham ô tài sản.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) đã cử Đào Duy Phong - chủ tịch HĐQT PVPLand, Nguyễn Ngọc Sinh - tổng giám đốc PVP Land làm người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVPLand, vì vậy Trịnh Xuân Thanh là người gián tiếp quản lý cổ phần của PVC tại PVPLand.
"Quan điểm của chúng tôi là người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của nhà nước, dù chỉ một đồng cũng phạm tội tham ô, tham nhũng" - đại diện Viện Kiểm sát khẳng định.
Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong đối đáp lại cũng đồng ý với quan điểm, "tham ô một đồng cũng là phạm tội".
Tuy nhiên, luật sư này đề nghị cần làm rõ trong vụ án này "tham ô một đồng là bao nhiêu", chứ không thể quy 12 triệu cổ phần đều là tài sản của nhà nước.
"Phải làm rõ giá trị mua bán là bao nhiêu, thiệt hại là bao nhiêu" - luật sư này nêu.
Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Về phần đối đáp ngày 2-2 của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong đó nói "Viện Kiểm sát biến không thành có", đại diện Viện Kiểm sát đối đáp: "Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập trong điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".
Đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu quan điểm, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, khai báo gian dối.
"Sau khi trả lại số tiền 14 tỉ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo giữ bí mật việc chuyển tiền, còn dặn Thái Kiều Hương nói số tiền chưa đến Thanh, mới chỉ đến chỗ Thái Kiều Hương.
Nếu không phạm tội thì sao phải chỉ đạo đồng phạm gian dối?" - đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi và đánh giá bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu PVC, sau đó còn là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhưng vẫn tham ô tài sản - tội tham nhũng bị xã hội lên án.
Từ lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử có hình phạt đích đáng để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Lập luận về kiến nghị nêu trên của Viện Kiểm sát, luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tiếp tục nêu quan điểm cho rằng khi Viện Kiểm sát quy kết bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, khai báo gian đối thì cần có tài liệu chứng minh.
Việc nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh dặn Thái Kiều Hương nói tiền mới chỉ đến chỗ Hương, đó là lời khai của Hương trong quá trình điều tra. Còn tại tòa, cả bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương đều phủ nhận việc này.
"Hồ sơ vụ án khai một đằng, tại toà khai một nẻo, nhưng theo tinh thần cải cách tư pháp, cần tôn trọng lời khai tại phiên toà chứ không chỉ căn cứ vào lời khai trong hồ sơ vụ án để nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, khai báo gian dối" - luật sư Trần Hồng Phúc lập luận.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngay sau đó cũng trình bày "bị cáo chưa bao giờ khai báo gian dối".
Đối đáp tiếp với Viện Kiểm sát, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nêu lại quan điểm bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ biết sắp xếp cuộc gặp cho Thái Kiều Hương với Trịnh Xuân Thanh để nói chuyện chuyển nhượng cổ phần.
"Thắng chỉ dừng ở việc biết có việc chuyển nhượng, trong khi Trịnh Xuân Thanh nói việc này hội đồng quản trị đã có chủ trương, hội đồng quản trị đã quyết rồi. Thắng không biết về việc chênh lệch giá trong cuộc gặp này, không có tài liệu chứng minh Thắng biết việc chênh giá, làm gì có tài liệu nào chứng minh Thắng làm việc này để hưởng lợi" - luật sư Thiệp nêu.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đại diện VKS khẳng định VKS kết luận bị cáo Đinh Mạnh Thắng có hành vi tác động trong việc chuyển nhượng là có cơ sở.
Theo đề nghị của bị cáo Thái Kiều Hương, bị cáo Thắng đã thu xếp cuộc gặp giữa Hương và Thanh. Sau đó tiếp tục điện cho Đào Duy Phong nói có khách đến mua cổ phần, như vậy là đã có lời nói, có tác động vào việc chuyển nhượng.
"Về số tiền Thắng nhận từ Hương 19 tỉ đồng, sau đó chuyển cho Thanh 14 tỉ đồng, bản thân nhận 5 tỉ đồng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng hoàn toàn biết rằng số tiền lớn đó là tiền từ chuyển nhượng cổ phần.
Dù biết nhưng vẫn chuyển cho Trịnh Xuân Thanh số tiền đó thì hành vi nhận 14 tỉ của Thanh là tham ô, hành vi giúp Thanh nhận số tiền đó là đồng phạm" - đại diện Viện Kiểm sát lập luận.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp ngay sau đó đã dẫn chứng PVC đã có nghị quyết về việc chuyển nhượng trước khi bị cáo Đinh Mạnh Thắng thu xếp cuộc gặp, vì vậy khó nói bị cáo Thắng có tác động vào việc chuyển nhượng.
Về số tiền 14 tỉ bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã trả lại và 5 tỉ đồng bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã trả lại 5 tỉ đồng, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục bảo lưu quan điểm đề nghị thu hồi số tiền nêu trên từ Công ty CP đầu tư Vietsan để sung quỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận