03/11/2024 11:10 GMT+7

Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca, không chỉ là danh cầm Bảy Bá

Tối 4-11, tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình giới thiệu chân dung soạn giả Viễn Châu mang tên 'Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca'.

Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca, không chỉ là danh cầm Bảy Bá - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu - Ảnh chụp màn hình: L.ĐOAN

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh soạn giả Viễn Châu (1924 - 2024), soạn giả Hoàng Song Việt viết kịch bản, Hữu Quốc và Dương Thảo đạo diễn.

Ca lại bài tân cổ giao duyên đầu tiên của Viễn Châu

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Hữu Quốc bày tỏ dù từng được TP.HCM giao đạo diễn nhiều chương trình lớn, nhưng với chương trình tôn vinh soạn giả Viễn Châu lần này, anh quá xúc động và hạnh phúc.

"Ai hoạt động cải lương dường như đều ca bài của bác Bảy Viễn Châu. Với tôi, bài ruột là Tình anh bán chiếu. Được làm chương trình về bác là vinh dự của tôi" - Hữu Quốc nói.

Vì thế, Hữu Quốc và ê kíp sáng tạo như soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Dương Thảo, đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Minh Trường… đã ngồi lại cùng tính toán, cân nhắc từng chút cho chương trình dài khoảng 150 phút.

Đêm diễn sẽ khắc họa hình ảnh soạn giả Viễn Châu từ trẻ cho đến khi về già.

Đó là hành trình của con người tài năng, đam mê cải lương từ xứ Trà Vinh lưu lạc lên đất Sài Gòn.

Những cột mốc, khả năng xuất sắc của ông được nhấn mạnh như ngón đàn tranh tuyệt vời mà người ta thường gọi ông là danh cầm Bảy Bá.

Cùng những sáng tạo, đóng góp đặc biệt của ông cho cải lương như người tiên phong mở ra thể loại tân cổ giao duyên, vọng cổ hài…

Ở phần tân cổ giao duyên, khán giả được thưởng thức giọng ca của NSND Lệ Thủy 60 năm trước với bài Chàng là ai? qua băng đĩa, sau đó bà xuất hiện trên sân khấu và hát lại một phần bài tân cổ giao duyên năm xưa. Phần vọng cổ hài do nghệ sĩ Thanh Nam - Mỹ Hằng thể hiện.

Do quá nhiều nghệ sĩ yêu mến, kính trọng soạn giả Viễn Châu muốn tham gia nhưng thời lượng chương trình lại có hạn nên Hữu Quốc cho biết ê kíp đau đầu khi tính toán sự xuất hiện của họ.

Nhiều nghệ sĩ ra chỉ được ca 1-2 câu, lại có những bài ca cổ mà tới 7 anh kép cùng ca. Tuy nhiên, chỉ cần góp phần vào chương trình "bác Bảy Viễn Châu" là họ vui, không câu nệ gì hết.

Ngoài những nghệ sĩ kể trên, chương trình vinh danh soạn giả Viễn Châu còn có sự góp mặt nghệ sĩ nhiều thế hệ như Minh Vương, Trọng Hữu, Thoại Miêu, Trọng Phúc, Kim Tử Long, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Vân Khánh, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lam Tuyền, Thu Ngát, Thu Vân…

Hát về chú Bảy Viễn Châu - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Lệ Thủy hỏi thăm "chú Bảy Viễn Châu" trước đêm diễn NSND Viễn Châu - Tri ân quê hương năm 2012 tại Trà Vinh - Ảnh: L.ĐOAN

Lệ Thủy nhớ bác Bảy giao bài

Nghệ sĩ Lệ Thủy xem soạn giả Viễn Châu là người thầy, người cha bởi ông là người phát hiện và khai phá tài năng của bà khi Lệ Thủy mới 13-14 tuổi, khởi đầu với vở cải lương Quan Âm Thị Kính.

Bà xúc động nhớ lại lần đầu tiên soạn giả Viễn Châu giao bài Chàng là ai? (nhạc: Nguyễn Hữu Thiết) cho bà thâu âm.

"Tui sợ quá trời, bị bài gì lạ quá nên nói chú Bảy ơi con không dám ca, lúc đó chú Bảy động viên: Mày cứ ca đi, biết đâu sau này mày lên. Tôi nhớ nhạc cụ thu bài khi đó cũng khá đơn sơ, trong đó có tiếng trống là do nhạc sĩ nổi tiếng Huỳnh Anh đánh.

Thật bất ngờ là khi bài phát hành thì được khán giả yêu thích nên chú Bảy viết tiếp cho tôi nhiều bài như Người ấy là ai, Cô hàng chè tươi

Kể từ đó tới nay cũng 60 năm tôi không ca lại bài tân cổ giao duyên đầu tiên. Giờ có dịp ca lại một đoạn trong chương trình của chú Bảy, tôi bồi hồi lắm!" - Lệ Thủy xúc động nói.

Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn vinh dự được hóa thân thành hình tượng soạn giả Viễn Châu.

Anh nói "vui nhưng cũng áp lực", vì anh là thế hệ sau không có điều kiện tiếp xúc với "ông Bảy" nên phải đọc nhiều tư liệu về ông, lắng nghe người đi trước kể về ông để cố gắng thể hiện cho ra phong thái của ông.

Toàn là nghệ sĩ trẻ nhưng sở trường là kép lão với giọng ca già dặn, mùi mẫn. Vì vậy khi đi hát, bài của soạn giả Viễn Châu cũng là "bài tủ" của Toàn.

Soạn giả Hoàng Song Việt có may mắn được tiếp xúc với soạn giả Viễn Châu, anh thổ lộ bản thân học hỏi nhiều từ phong cách Viễn Châu để ứng dụng vào hành trình cầm bút của mình.

"Bác Bảy không chỉ viết bài ca cổ mà còn viết tuồng, nên trong một bài ca cổ bác cũng cấu trúc như câu chuyện hoàn chỉnh. Tôi đã học được nhiều điều giá trị từ cách viết của bác, chẳng hạn như cách gieo vần bài ca trong câu vọng cổ của bác rất thú vị và sinh động" - Hoàng Song Việt nói.

Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho rằng có hai lĩnh vực mà người ta cần đánh giá đúng về ông Viễn Châu. Thứ nhất, ông là danh cầm đã được ghi nhận qua danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Tuy nhiên, về góc độ soạn giả thì Viễn Châu chưa được ghi nhận xứng tầm.

Sự nghiệp tác phẩm của Viễn Châu để lại hết sức đồ sộ với nhiều giá trị về luân lý, đạo đức, nhiều sáng tạo độc đáo cho làng cải lương. Mấy chục năm trời trôi qua nhưng tuồng tích, bài ca cổ của ông vẫn được ca từ sân khấu lớn đến sinh hoạt bình dân.

Năm 2020, Hội Sân khấu TP.HCM đã gởi thư kiến nghị đến Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng trung ương đề nghị đặc cách trao Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả Viễn Châu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Giàu mong TP.HCM có thêm những động thái tích cực để công lao của soạn giả Viễn Châu được ghi nhận một cách xứng đáng, xứng tầm.

Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca, không chỉ là danh cầm Bảy Bá - Ảnh 9.Nên trao giải thưởng Nhà nước cho NSND Viễn Châu

TTO - Cả đời cống hiến cho những kịch bản sân khấu cải lương đi sâu vào ký ức nhiều người, chiếm tình cảm lớn trong lòng đông đảo nghệ sĩ lẫn khán giả mộ điệu, thế nhưng NSND Viễn Châu vẫn chưa được xét trao Giải thưởng Nhà nước.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên