Nhận định này được đưa ra trong bài viết “Thế giới đã bắt đầu thoát ra khỏi than đá” được đăng tải trên báo La Croix (Pháp).
Dẫn báo cáo thường niên do ba tổ chức phi chính phủ, gồm Grenpeace, Coal Swarm - một mạng lưới các nhà khoa học chuyên gia chuyên ngành năng lượng và Sierra Club - một tổ chức bảo vệ môi trường của Mỹ thực hiện, báo La Croix cho biết lần đầu tiên trên thế giới có sự giảm sút rõ rệt số lượng công trình xây mới nhà máy điện chạy than, đồng thời các nhà máy đang vận hành bằng loại nhiên liệu gây ô nhiễm này bị ngừng hoạt động cũng gia tăng.
Theo báo cáo trên, các dự án điện than ở Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm đáng kể. Tại Trung Quốc, dường như chính quyền đang quyết tâm thực hiện chính sách ưu tiên các nguồn năng lượng ngoài than đá.
Còn ở Ấn Độ, các ngân hàng ngày càng dè dặt trong việc cấp tín dụng cho các dự án điện than. Trung Quốc và Ấn Độ từng chiếm 86% các dự án xây mới nhà máy điện than của cả thế giới trong một thập kỷ qua.
Ngoài ra, báo La Croix cũng cho biết tại các nước phát triển, việc đoạn tuyệt với than đá đã được cam kết từ lâu nay và đang có xu hướng được thúc đẩy mạnh hơn.
Chính phủ Pháp thông báo đến năm 2023 sẽ không dùng than để sản xuất điện nữa.
Hồi năm ngoái, Anh, Canada cũng đã thông báo từ bỏ than đá. Trong khi đó, Mỹ đã đóng cửa 250 nhà máy điện chạy bằng than kể từ năm 2010.
Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, than đá đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng tiêu thụ than đá không ngừng tăng, chiếm tỷ trọng 30% nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới, đồng thời than phục vụ để sản xuất 40% lượng điện của cả thế giới.
Tuy nhiên, than đá lại chính là tác nhân gây 45% lượng phát thải ô nhiễm không khí. Do đó, việc thoát ra khỏi than đá đang là ưu tiên hàng đầu để có thể đạt được các mục tiêu là giảm tốc độ nóng lên của trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận