02/10/2014 07:28 GMT+7

​Viêm xoang và biến chứng

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Viêm xoang là bệnh dễ tái phát và gây biến chứng khá nguy hiểm nếu bệnh nhân không biết phòng tránh và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ nội soi mũi xoang cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Thế nhưng nhiều người bệnh sau thời gian điều trị không khỏi thì tỏ ra mệt mỏi, chán nản, có tâm lý buông xuôi, bỏ điều trị.

Viêm xoang dị ứng thường rất khó điều trị. Khi bị viêm xoang do nguyên nhân dị ứng, bệnh nhân cần được xác định dị ứng cái gì.

Nếu dị ứng với lạnh mà ngồi máy lạnh sẽ không hết bệnh; dị ứng với bụi, khói thuốc lá, hóa chất... cũng khó hết nếu vẫn còn tiếp xúc với các yếu tố này

BS Trần Phan Chung Thủy

“Lai rai như tai mũi họng”

Viêm xoang có điều trị khỏi, vì sao bệnh dễ tái phát, điều trị thế nào là đúng? Thắc mắc này của nhiều bạn đọc được TS.BS Trần Phan Chung Thủy, giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, trả lời rằng về nguyên tắc, viêm xoang có thể điều trị khỏi khi trả lại sinh lý bình thường cho mũi xoang.

Viêm xoang được coi là bệnh “lai rai như tai mũi họng” để nói rằng điều trị bệnh này khỏi hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Theo BS Trần Phan Chung Thủy, viêm xoang là tình trạng bị tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang. Niêm mạc lót trong xoang là loại tế bào trụ có lông chuyển, tiết dịch.

Nếu lỗ thông mũi xoang thông thoáng, các chất dịch tiết từ niêm mạc xoang trong lòng xoang sẽ được dẫn lưu ra ngoài hốc mũi - đây là sinh lý bình thường. Nếu lỗ thông mũi xoang bị tắc nghẽn sẽ gây ra tình trạng viêm xoang cấp hoặc mãn tính.

Viêm xoang có thể do virút, vi trùng, nấm và ký sinh trùng (ít gặp) gây ra. Virút thường gây viêm xoang cấp tính, vi trùng gây viêm xoang cấp và mãn tính, nấm đa số gây viêm xoang mãn tính.

Cơ chế gây viêm xoang là tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang. Nếu không giải quyết được cơ chế này thì điều trị bằng phương pháp gì cũng không giải quyết được tận gốc bệnh viêm xoang.

BS Chung Thủy cho biết để giải quyết việc tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang, bệnh nhân phải được kiểm tra xem có bị vẹo vách ngăn mũi, cuống mũi giữa có bị quá lớn hay không, có thịt dư (polype) mũi không, có quá phát mỏm móc không...

Nếu có tình trạng nói trên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật lấy vẹo vách ngăn, cắt bỏ thịt dư và thu nhỏ cuống mũi... để giải phóng tình trạng gây chèn ép lỗ thông mũi xoang giúp xoang mũi không còn bị tắc nghẽn.

Nếu viêm xoang do virút, bệnh thường tự hết. Tuy nhiên, trường hợp này rất dễ bị bội nhiễm vi trùng và chuyển từ viêm xoang cấp tính sang mãn tính.

Nếu viêm xoang do vi trùng thì hiệu quả điều trị tùy độc lực (mạnh hay yếu) của vi trùng, có nhạy với thuốc kháng sinh nhiều hay ít và còn tùy vào việc có làm thông thoáng lỗ thông mũi xoang tốt hay không.

Nếu viêm xoang do nấm đã hình thành u nấm trong xoang thì phải mổ lấy hết nấm đó ra mới khỏi bệnh.

Việc bệnh có tái phát hay không còn phụ thuộc vào sức đề kháng của người bệnh. Nếu sức đề kháng yếu, cơ thể của bệnh nhân dễ bị vi trùng, virút... tấn công gây đợt viêm xoang mới.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân mắc một số bệnh nội khoa khác như đái tháo đường (làm giảm sức đề kháng) cũng dễ bị viêm xoang và dễ bị biến chứng, hoặc bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể bị viêm xoang do dịch tiết ở dạ dày, thực quản trào ngược lên vùng mũi họng khi ngủ.

Có thể bị biến chứng

“Nếu không điều trị đúng cách, lỗ thông xoang mũi sẽ bị tắc nhiều hơn, gây viêm nhiều, mủ nhiều, nhức đầu, nghẹt mũi. Nhức đầu làm ảnh hưởng đến công việc. Nghẹt mũi thì thở không tốt, oxy cung cấp không đủ gây thiếu máu não làm người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng tới công việc” - BS Chung Thủy khuyến cáo như vậy.

BS Chung Thủy lưu ý bệnh nhân - nhất là ở trẻ em - nếu không điều trị, để bệnh viêm xoang tái phát nhiều lần còn có thể dễ gây viêm họng, viêm đường hô hấp dưới do mủ chảy xuống.

Viêm xoang ở trẻ em, người già không được điều trị sớm còn có thể dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản làm tình trạng bệnh dễ nặng hơn.

Ở trẻ em, nếu điều trị không đúng hoặc không điều trị, bệnh nhân có thể biến chứng viêm tai giữa, lâu ngày chuyển sang viêm xương chũm làm ảnh hưởng chức năng nghe. Mà viêm tai giữa lâu ngày không điều trị còn gây ảnh hưởng đến tai trong, khi đó việc điều trị sẽ kéo dài và khó khăn hơn.

“Có bệnh nhân viêm xoang nặng còn bị biến chứng viêm thị thần kinh hậu cầu, hậu quả dẫn đến mù mắt. Biến chứng nặng hơn nữa có thể gây tử vong là nhiễm trùng huyết, ápxe não, đặc biệt là ở bệnh nhân giảm miễn dịch...” - BS Chung Thủy cho biết.

Bác sĩ Chung Thủy nói thêm bệnh viện cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị biến chứng do điều trị viêm xoang bằng thuốc tán, thuốc đông y không rõ nguồn gốc để uống, bôi, xịt vào mũi.

Hậu quả của việc điều trị không đúng này khiến bệnh nhân bị loét, nhiễm trùng xoang mũi và làm nặng thêm tình trạng viêm xoang mãn tính của bệnh nhân.

Biến chứng đến lồi mắt

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết bệnh nhân B.Q.B. (61 tuổi, TP.HCM) nhập viện ngày 14-3-2014 trong tình trạng bị lồi mắt phải.

Ông B.Q.B. kể ông bị viêm xoang mãn tính đã lâu, nhức đầu liên tục và mắt bên phải bị đau nhức, mờ dần. Sáu tháng trước khi nhập viện, mũi của ông thường xuyên chảy mủ đục.

Ông đã đi điều trị nhiều lần ở một số nơi nhưng bệnh không giảm mới đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khám.

Khi nhập viện, qua khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán ông B.Q.B. bị viêm đa xoang mãn tính hai bên, có biến chứng khuyết xương thành trong hốc mắt phải, viêm lan các cơ trực... và đẩy lồi nhãn cầu phải ra ngoài làm bệnh nhân lồi mắt, mờ mắt.

Ông B. được các bác sĩ phẫu thuật, điều trị ổn định và cho xuất viện, hẹn tái khám, nhưng ông không quay lại tái khám nên bác sĩ không theo dõi được tình trạng viêm xoang của ông.

 

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên