Viêm VA, bình thường nhưng không thể coi thường

TTCT - Trẻ em bị viêm VA là chuyện rất phổ biến nên nhiều người đâm ra chủ quan. Trong một số trường hợp bác sĩ chỉ cho toa, số khác thì chỉ định mổ nạo, gây nhiều thắc mắc cho phụ huynh. Vậy khi nào cần nạo VA cho trẻ?

Phóng to
Vị trí của VA

VA là khối mô lymphô nằm ở họng mũi, là từ viết tắt của hai chữ Végétations Adénoides có nguồn gốc từ tiếng Pháp, dịch là sùi vòm họng. Bệnh lý viêm VA là một trong những bệnh lý rất thường gặp trong tai mũi họng nhi, lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo từ 1-6 tuổi. Tỉ lệ viêm VA ở nước ta khoảng 30% ở trẻ em.

VA là gì?

Viêm VA cấp hay viêm họng mũi cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 6-7 tuổi và tổn thương chủ yếu là viêm cấp tính niêm mạc họng mũi bao gồm mô lymphô họng mũi (VA).

Chẩn đoán viêm VA cấp rất khó khăn, nhất là khi kèm với các bệnh nhiễm trùng toàn thân như nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn. Các triệu chứng chảy mũi mủ nhầy, nghẹt mũi, sốt và viêm tai giữa đều có thể có trong các bệnh lý này. Tác nhân gây viêm họng thường là do siêu vi và có thể kèm theo sự bội nhiễm vi khuẩn tiếp theo khiến bệnh thêm phức tạp. Triệu chứng thường gặp là sốt đột ngột, nhưng ít khi sốt cao hơn 39 độ và giảm sốt trong khoảng 2 đến 3 ngày. Mới đầu trẻ chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, có mủ, nghẹt mũi, bỏ bú, quấy khóc, hơi thở hôi ở trẻ nhỏ và trẻ lớn thì biếng ăn. Thường có kèm theo hạch cổ sưng ở vùng dưới góc hàm.

Khi có từ 4 lần viêm VA cấp trở lên trong vòng 6 tháng thì gọi là viêm VA cấp tái phát. Chẩn đoán phân biệt về lâm sàng giữa viêm xoang cấp tái phát và viêm VA cấp tái phát rất khó khăn. Cần khám bác sĩ tai - mũi - họng để phân biệt.

Chảy mũi và nghẹt mũi dai dẳng là các dấu hiệu thường thấy trong viêm VA mãn tính. Nước mũi trong hoặc nhầy hay có mủ nếu có bội nhiễm vi trùng kèm theo. Nghẹt mũi do viêm VA mãn tính có nhiều mức độ, nếu ít thì trẻ chỉ nghẹt về đêm, nhiều thì nghẹt suốt ngày hoặc thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Do đó, trẻ bị viêm VA mãn tính thường thở bằng miệng kèm ho khi ngủ với những cơn ngừng thở hết sức nguy hiểm.

Nếu viêm VA mãn tính kéo dài không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mãn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng trên khuôn mặt của trẻ, gọi là bộ mặt VA với đặc trưng miệng luôn há, mũi tẹt, trán dô, khẩu cái cong lên và hàm răng trên vẩu, vẻ mặt kém minh mẫn, đờ đẫn, chậm chạp.

Ngoài ra, trẻ bị viêm VA quá phát bít tắc thường có các triệu chứng điển hình sau: thở miệng, ngủ ngáy và rối loạn phát âm kiểu giọng mũi kín xuất hiện ngày càng rõ rệt. Triệu chứng ngủ ngáy có ở 85% trẻ có VA quá phát bít tắc. Có thể xuất hiện ngưng thở lúc ngủ. Ngoài ra, trẻ cũng có thêm các triệu chứng kèm theo bao gồm: sổ mũi thường xuyên, chảy nhầy mủ thành sau họng và ho kéo dài.

Khi nào cần nạo VA?

Khi VA nhiễm trùng gây viêm họng mũi mãn tính hoặc kéo dài và VA quá phát bít tắc thì cần phải nạo. Theo Hiệp hội Tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ Mỹ năm 2000, chỉ định nạo VA thường gặp là:

1. Viêm mũi mủ bốn lần hoặc hơn trong 12 tháng ở trẻ dưới 12 tuổi. Có khám nội soi mũi hoặc hình ảnh chẩn đoán.

2. Viêm VA với triệu chứng kéo dài sau hai đợt điều trị kháng sinh. Trong đó có một đợt điều trị kháng sinh ít nhất hai tuần.

3. Ngưng thở khi ngủ với tắc nghẽn mũi kéo dài ít nhất 3 tháng.

4. Nói giọng mũi kín.

5. Rối loạn mọc răng hoặc tăng trưởng sọ mặt đã được xác định bởi bác sĩ răng hàm mặt.

6. Viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ trên 4 tuổi.

Nạo VA là phẫu thuật đã được thực hiện từ rất lâu. Ngày nay với phát minh ống nội soi, bác sĩ đã có thể nhìn được khối VA khi thăm khám, cũng như ứng dụng nội soi để nạo VA. Ưu điểm của phương pháp này là thấy rõ nên nạo lấy hết khối mô VA, ít gây chảy máu và tổn thương các cấu trúc khác xung quanh.

Tóm lại, viêm VA có những biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh có thể phòng ngừa được nếu như chúng ta biết giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ, thường xuyên nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý có tác dụng vệ sinh mũi họng tốt. Cho trẻ đi khám bác sĩ tai mũi họng để loại trừ bệnh viêm VA nếu nghi ngờ. Không nên tự dùng kháng sinh điều trị khiến mất đi triệu chứng bệnh làm bệnh không dứt hẳn mà còn kéo dài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận