Ảnh minh họa. Nguồn: mayoclinic.org
Viêm túi thừa xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa bị viêm hoặc nhiễm khuẩn. Túi thừa là những túi nhỏ, phồng, có thể được hình thành ở bất cứ nơi nào của ống tiêu hóa, từ thực quản đến dạ dày, ruột non và ruột già. Tuy nhiên, chúng thường được tìm thấy trong ruột già.
Túi thừa là bệnh cũng khá phổ biến, đặc biệt là sau tuổi 40. Khi bạn có túi thừa trong hệ tiêu hóa, tình trạng này được gọi là bệnh túi thừa. Bạn có thể chẳng bao giờ biết sự tồn tại của chúng trong cơ thể vì chúng hiếm khi gây ra bất kỳ vấn đề gì, trừ phi bạn bị viêm túi thừa.
Khi tình trạng viêm túi thừa xảy ra, bạn có thể có cơn đau dữ dội ở bụng, sốt, buồn nôn và một sự thay đổi đáng kể trong thói quen đại tiện của bạn. Trường hợp nhẹ của viêm túi thừa có thể được điều trị bằng nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn uống và thuốc kháng sinh. Nhưng những trường hợp nghiêm trọng của viêm túi thừa có thể cần phải can thiệp phẫu thuật.
Triệu chứng viêm túi thừa
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm túi thừa gồm:
- Đau đột ngột ở phía dưới bên trái bụng;
- Ít gặp hơn, đau bụng có thể nhẹ lúc đầu tiên và diễn tiến nặng hơn trong vài ngày, cường độ đau có thể dao động;
- Thay đổi thói quen đi tiêu;
- Sốt;
- Buồn nôn và nôn;
- Táo bón;
- Tiêu chảy;
- Chướng bụng;
- Chảy máu từ trực tràng (ít gặp).
Nguyên nhân viêm túi thừa
Túi thừa thường phát triển ở những vị trí yếu tự nhiên trong thành ruột già dưới tác động của áp lực. Điều này làm cho túi thừa hình thành và nhô ra khỏi thành đại tràng.
Chính xác nguyên nhân làm cho túi thừa bị viêm hoặc nhiễm vẫn chưa được hiểu rõ. Một số giả thuyết cho rằng áp lực tăng trong đại tràng có thể làm suy yếu thành của túi thừa, dẫn đến nhiễm trùng. Một số khác cho rằng các lỗ hẹp của túi thừa là nơi phân ứ đọng lại, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Hoặc tình trạng tắc nghẽn miệng túi có thể làm giảm lượng máu nuôi, dẫn đến tình trạng viêm.
Trong quá khứ, các bác sĩ nghĩ rằng các loại hạt, đậu, bỏng ngô và ngô đóng một vai trò trong việc gây ra viêm túi thừa bởi việc bị mắc kẹt trong đó. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thực phẩm này không làm tăng nguy cơ viêm túi thừa.
Yếu tố nguy cơ gây ra viêm túi thừa
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa:
- Lão hóa: Khả năng bị viêm túi thừa của bạn tăng lên khi bạn trên 40 tuổi, mặc dù người ta không biết lý do tại sao. Đó có thể là những thay đổi liên quan đến tuổi, chẳng hạn như sự suy giảm mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành ruột của bạn, có thể đóng góp vào tình trạng viêm túi thừa.
- Ăn ít chất xơ: Viêm túi thừa hiếm xảy ra ở những nước mà người có một chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp làm cho phân mềm. Nhưng nó phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Hoa Kỳ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrates tinh chế và ít chất xơ.
- Vận động thể lực: Ít hay hạn chế vận động thể lực được cho là có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Những lý do dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
- Béo phì: Làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa và chảy máu túi thừa.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị viêm túi thừa.
Biến chứng viêm túi thừa
Các biến chứng của viêm túi thừa có thể bao gồm:
- Viêm phúc mạc, có thể xảy ra nếu túi thừa bị viêm nhiễm nặng hoặc túi thừa bị thủng, làm cho dịch tiêu hóa hay phân trong ruột rơi vào khoang bụng. Điều này có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm nặng nề lớp niêm mạc khoang bụng (phúc mạc). Viêm phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa và đòi hỏi phải nhập viện ngay lập tức.
- Chảy máu trực tràng.
- Tắc nghẽn trong ruột già hoặc ruột non do sẹo.
- Áp-xe, xảy ra khi tích tụ mủ trong túi.
- Rò các cơ quan lân cận - đường nối bất thường giữa các phần khác nhau của ruột, giữa ruột và bàng quang hoặc âm đạo, hoặc giữa ruột và thành bụng.
Mặc dù có vẻ không có mối liên quan trực tiếp giữa bệnh túi thừa và ung thư đại trực tràng, bệnh túi thừa có thể làm cho ung thư khó chẩn đoán hơn. Và đôi khi gây chẩn đoán lầm với ung thư đại trực tràng. Vì vậy, bác sĩ khuyên bạn nên nội soi đại tràng kiểm tra khi bạn đã phục hồi sau một đợt viêm túi thừa. Nội soi đại tràng là một xét nghiệm hình ảnh cho phép bác sĩ kiểm tra toàn bộ khung đại tràng và trực tràng bằng cách sử dụng một ống nhựa dẻo có gắn một máy quay phim nhỏ ở đầu (colonoscope). Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên làm xét nghiệm tầm soát.
Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm túi thừa
Vì túi thừa thường không biểu hiện triệu chứng, hầu hết mọi người phát hiện họ có túi thừa trong các những lần tầm soát định kỳ đối với ung thư đại trực tràng hoặc trong quá trình xét nghiệm kiểm tra các vấn đề đường ruột khác. Viêm túi thừa, mặt khác, thường được chẩn đoán trong một đợt bệnh cấp tính. Vì đau bụng có thể là dấu hiệu chỉ điểm một số vấn đề, bác sĩ sẽ phải loại trừ các nguyên nhân khác gây ra cơn đau của bạn, chẳng hạn như:
- Viêm ruột thừa;
- Viêm vùng chậu;
- Hội chứng ruột kích thích;
- Loét dạ dày;
- Thai ngoài tử cung;
- Ung thư đại tràng;
- Ung thư buồng trứng;
- Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ;
- Bệnh viêm ruột.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra đau bụng, bác sĩ sẽ có thể sẽ:
- Khám bụng để phát hiện các vị trí ấn đau.
- Xét nghiệm máu để phát hiện bạch cầu tăng, dấu hiệu cho thấy có tình trạng nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh học, chẳng hạn như chụp CT, giúp phân biệt túi thừa viêm hoặc nhiễm trùng. CT scan sử dụng một loạt các máy chụp X-quang để cung cấp một cái nhìn toàn diện về cơ quan nội tạng của bạn.
Phương pháp điều trị viêm túi thừa và thuốc
Nói chung, điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, cũng như đây có phải là đợt viêm đầu tiên hay không. Nếu các triệu chứng đều nhẹ, một chế độ ăn lỏng và giàu chất xơ, cũng như thuốc kháng sinh là tất cả những thứ bạn cần. Nhưng nếu viêm túi thừa có nguy cơ biến chứng hoặc có các đợt viêm thường xuyên, bạn có thể cần một chế độ chăm sóc đặc biệt.
Chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân viêm túi thừa
Nếu tình trạng của bạn có thể điều trị tại nhà, hãy nghỉ ngơi và ăn các thức ăn lỏng trong một vài ngày để tình trạng nhiễm trùng lui dần. Khi các triệu chứng của bạn cải thiện - thường là trong vòng ba ngày - bạn có thể dần dần thêm các loại thực phẩm nhiều chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống của bạn.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc kháng sinh để giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, hãy cố gắng hoàn thành liệu trình điều trị. Ngưng thuốc quá sớm có thể gây nhiễm trùng tái phát hoặc có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
Nếu bạn bị đau vừa hoặc nặng, bác sĩ có thể đề nghị một thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol, Panadol,…). Bác sĩ cũng có thể kê toa một thuốc giảm đau mạnh hơn, mặc dù các loại thuốc này có xu hướng gây táo bón và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bạn.
Nhập viện viêm túi thừa
Nếu bạn xuất hiện một đợt viêm túi thừa nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ tắc ruột hoặc viêm phúc mạc, hoặc xuất hiện biến chứng của viêm túi thừa, chẳng hạn như áp-xe, bạn có thể cần phải nhập viện để được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
Nếu viêm diễn tiến sang áp xe, nó có thể cần được dẫn lưu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách chèn một cây kim qua da, được hướng dẫn bởi siêu âm hoặc CT. Một ống thông sau đó được đặt để dẫn lưu áp xe. Ống thông này có thể cần phải lưu giữ vài ngày trong khi bạn đang được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một khi bạn đã hồi phục, có thể thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ túi thừa.
Phẫu thuật viêm túi thừa
Nếu bạn xuất hiện lỗ thủng ruột, áp-xe, lỗ rò hoặc viêm túi thừa tái đi tái lại, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các phần túi thừa bị viêm trong đại tràng. Có hai loại phẫu thuật:
- Cắt ruột một thì: Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt phần ruột chứa túi thừa và sau đó nối lại các đoạn ruột già không viêm. Điều này cho phép các nhu động ruột vẫn hoạt động bình thường. Tùy thuộc vào mức độ viêm, bác sĩ sẽ thực hiện mổ mở (truyền thống) hoặc phẫu thuật nội soi. Với phẫu thuật mở, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường dài ở bụng, trong khi phẫu thuật nội soi được thực hiện thông qua ba hoặc bốn vết rạch nhỏ.
- Cắt ruột 2 thì và làm hậu môn nhân tạo: Phẫu thuật này có thể cần thiết nếu bạn có tình trạng viêm nhiều ở ruột già mà bác sĩ không thể nối đại tràng và trực tràng lại được trong lần mổ đầu tiên. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ mở một lỗ trên thành bụng của bạn. Phần bình thường của ruột già sau đó được nối với lỗ mở ở thành bụng, chất thải đi ra qua lỗ mở vào trong túi đựng bên ngoài bụng. Vài tháng sau đó - một khi tình trạng viêm đã lành - bác sĩ sẽ phẫu thuật lần hai để nối lại phần ruột đã cắt.
Thay đổi lối sống bệnh nhân viêm túi thừa
- Ăn nhiều chất xơ: Thức ăn giàu chất xơ như trái cây tươi và rau quả và ngũ cốc nguyên hạt giúp làm mềm phân và giúp nó nhanh chóng được bài tiết ra ngoài. Điều này làm giảm áp lực bên trong đường tiêu hóa của bạn. Cố gắng tiêu thụ từ 20 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày. Một quả táo hoặc 1/2 chén (118 ml) rau xà lách chứa hơn 3 gam chất xơ, 1/2 chén đậu chứa khoảng 8 gram. Cố gắng thay thế các loại trái cây, rau và các sản phẩm ngũ cốc cho các loại thực phẩm nhiều chất béo. Tăng từ từ lượng chất xơ để tránh bị đầy hơi, khó chịu ở bụng. Nếu thấy khó khăn khi phải tiêu thụ nhiều hơn 20 gram chất xơ mỗi ngày, xem xét sử dụng một bổ sung chất xơ, như psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel). Việc tránh các loại hạt hoặc quả hạch sẽ không ngăn chặn các đợt viêm túi thừa thường xuyên.
- Uống nhiều chất lỏng: Chất xơ hoạt động bằng cách hấp thụ nước và tăng độ mềm của các chất thải trong ruột già. Nhưng nếu bạn không uống đủ nước để thay thế những gì được hấp thụ, chất xơ có thể gây táo bón.
- Không trì hoãn việc đi tiêu: Khi bạn cần phải sử dụng nhà vệ sinh, không nên chậm trễ. Chậm đi tiêu khiến phân khô, đòi hỏi phải rặn nhiều, dẫn đến tăng áp lực trong ruột già.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thúc đẩy chức năng tiêu hóa và làm giảm áp lực bên trong ruột già. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Thuốc thay thế ngăn ngừa viêm túi thừa
Một số chuyên gia cho rằng những người xuất hiện viêm túi thừa có thể không có đủ số vi khuẩn có lợi trong ruột già. Các loại men vi sinh - thực phẩm bổ sung có chứa vi khuẩn có lợi - có thể giúp phục hồi sự cân bằng tự nhiên của cơ thể, có thể giúp ngăn ngừa viêm túi thừa xảy ra. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng. Chế phẩm sinh học thường được coi là an toàn, nhưng bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc bổ nào để chắc chắn rằng sức khỏe của bạn sẽ không bị ảnh hưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận