Ảnh minh họa. Nguồn: biosom.com.br
Ù tai, đau tai tiếp theo đó là viêm tai giữa thực thụ thường gặp ở một số người sau khi đi máy bay. Nếu người đó đang bị viêm mũi họng thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao nếu không biết cách phòng tránh nó.
Khi đi máy bay, một số người thường thấy cảm giác đầy tai, đau trong tai, nhất là lúc máy bay cất cánh và hạ cánh. Nếu triệu chứng này còn tồn tại và ngày càng trở nên trầm trọng hơn sau một chuyến bay khiến người ta phải tìm đến bệnh viện để khám thì có nghĩa lúc đó đã bị viêm tai giữa "hàng không". Vì sao có hiện tượng này? Để trả lời câu hỏi đó thì trước tiên ta phải tìm hiểu khí áp tai giữa được vòi nhĩ điều tiết như thế nào.
Vòi nhĩ là một ống hình cái "vòi" thông giữa thành bên của họng - mũi và trung nhĩ của tai giữa mà họng - mũi thì cũng chung một "phẩm chất" với ống tai ngoài là luôn "mở cửa tự do" với môi trường xung quanh.
Vòi nhĩ phân hai đoạn là đoạn sụn và đoạn xương, trong đó đoạn sụn chiếm 2 phần 3 tổng chiều dài và tiếp giáp với họng - mũi qua cửa vòi. Đoạn sụn của vòi nhĩ có cơ chi phối và mang tính đàn hồi.
Ở trạng thái bình thường, cửa vòi nhĩ luôn khép kín nhưng mỗi khi ta nuốt hoặc ngáp thì vòi nhĩ sẽ mở ra do tác động co kéo của cơ nâng màng hầu, lúc này không khí ở trung nhĩ và môi trường bên ngoài thông thương với nhau tạo sự cân bằng khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ, giúp cho màng nhĩ ở đúng vị trí và rung động tốt, nhờ vậy mà bộ phận truyền âm của trung nhĩ làm tròn được nhiệm vụ truyền dẫn sóng âm.
Nếu vòi nhĩ không mở ra, không khí không qua lại được tức là đã bị tắc. Bị tắc vòi nhĩ có thể gây ra nhiều "phiền toái" mà viêm tai giữa "hàng không" kể trên là một thí dụ. Như ta đã biết, khi càng lên cao thì áp lực không khí càng giảm, lúc đó áp lực không khí ở trong tai giữa vô tình lại lớn hơn áp lực không khí ở bên ngoài, vì thế mà không khí ở trung nhĩ bị "đẩy" ra qua vòi nhĩ để duy trì sự cân bằng áp suất giữa trong và ngoài màng nhĩ.
Ngược lại, khi từ trên cao mà hạ xuống thấp thì áp lực không khí sẽ tăng trở lại, lúc này áp lực không khí ở bên ngoài lớn hơn áp lực không khí ở tai giữa nên không khí từ ngoài sẽ "ùa" vào trung nhĩ qua vòi nhĩ để duy trì sự cân bằng khí áp.
Nếu vòi nhĩ bị tắc thì sẽ có hiện tượng màng nhĩ bị hút lồi ra khi bay lên cao và ngược lại nó sẽ bị đẩy lõm vào khi hạ cánh. Cả hai hiện tượng lồi ra và lõm vào ấy đều làm màng nhĩ căng dãn và hạn chế cử động gây ra đau tai và ù tai. Nếu hiện tượng này kéo dài một thời gian sẽ gây viêm tai giữa thực thụ.
Vì thế, để tránh hiện tượng này, khi máy bay thay đổi độ cao đột ngột thì ta nên làm động tác ngáp hoặc nuốt để "mở cửa" vòi nhĩ cho không khí lưu thông qua lại nhằm điều tiết khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ.
Nếu đang bị viêm mũi, nghẹt mũi thì nên làm thông mũi bằng cách nhỏ hoặc bơm xịt Xylometazoline (0.1% cho người lớn và trẻ trên 6 tuổi, 0.05% cho trẻ em dưới 6 tuổi) vào mũi khi đi máy bay sẽ giảm hoặc tránh được cảm giác ù tai, đau tai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận